Thứ Sáu, 27 tháng 7, 2012

3/ ĐIỀU KHÓ NHẤT

  
Chuyện ứng xử có thật  

Bài đăng trên báo Giáo dục thời đại ngày số đặc biệt  ngày 17-11-2013
                          
                                
     Sáng thứ hai tuần trước tôi dạy lớp 9/1, em Huy lại vào lớp trễ 10 phút. Vẻ mặt lầm lì, em đi thẳng xuống chỗ ngồi, không xin phép. Tôi gọi:
       -  Duy, em chưa xin cô vào lớp và cô cũng chưa cho em vào.  
       - Cô không cho em vào thì em xin ra vậy – Duy nói một cách tỉnh bơ  rồi quay ra khỏi lớp. Tôi điện báo cho thầy tổng phụ trách về trường hợp của Huy rồi vẫn tiếp tục tiết dạy nhưng trong lòng không vui.
         Tôi nhớ lại câu chuyện cách đây 10 năm…
         Tân là một học sinh cá biệt của lớp tôi chủ nhiệm (lớp 9/3). Vào tháng cuối của năm học em thường hay bỏ giờ. Một hôm, Tân bỏ giờ môn toán rồi xin vào lớp giờ tôi (giờ văn). Tôi nghĩ mình cần phải nghiêm khắc hơn không thể bỏ qua dễ dàng việc bỏ học của Tân và gọi em lên bảo:
      - Ngày mai thứ bảy, em viết kiểm điểm đưa cho ba mẹ kí, nộp cho cô vào rồi mới được vào lớp.
         Thứ hai, tôi chờ bản kiểm điểm của Tân nhưng không thấy em đến lớp. Thứ ba, trường tổ chức kiểm tra học kì các môn phụ, Tân lại vắng. Tôi đến lớp sớm không thấy Tân, tôi liền điện về nhà gặp mẹ em nói chuyện. Mẹ Tân hứa sẽ khuyên răn em và nhắc em đi thi gấp.
         Trưa hôm đó, tôi về gần đến nhà thì thấy một đám đông người hàng xóm đứng trước cổng xì xào bàn tán. Tôi vào nhà, hai cánh cửa tôn lớn phía trước trở nên ọp ẹp, loang lổ những vết móp sâu. Lăn lóc trên hiên là những cục đá to bằng nắm tay. Mọi người kể lại, ba của Nhân tính tình nóng nảy, nghe chuyện Tân  bỏ học liền căng Tân ra đánh cho một trận rồi đuổi đi. Nhân chạy đến nhà tôi đứng trước cổng, tay ném đá vào nhà, miệng la lối om sòm:
        - Bà sao ác quá, tại bà mà tôi bị đòn.
         Ai cũng bảo: “Học trò kiểu này thì hết thuốc chữa. Đuổi học cho nó biết khôn.”
         Bữa cơm trưa, tôi nuốt không trôi và cảm thấy đau lòng.Thì ra Tân đã hiểu lầm là mình tìm cách o ép nó. Tôi luôn muốn điều tốt cho em mà? Sao Tân lại có thể nói năng và hành động thiếu suy nghĩ như vậy? Lòng tôi lo lắng, phân vân. Sự nghiêm khắc lúc này có cần thiết không? Rồi Nhân tiếp tục bỏ thi, không được xét tốt nghiệp. Ba mẹ Nhân thì lại ít quan tâm mà chỉ dạy bằng cú đấm…Nó lại sa vào chơi bời lêu lổng. Ở học kỳ một, mình đã phải vất vả lắm mới khuyên nhủ được nó... Có lẽ, phương thuốc tốt nhất cho lúc này là lòng yêu thương, bao dung ...      
         Chiều hôm đó và ngày sau tôi đến nhà Nhân nhưng em đã bỏ nhà đi từ sáng hôm xảy ra chuyện. Tôi dò hỏi và biết được Nhân đến nhà bà con ở.
         Sáng sớm, tôi tìm đến. Thấy tôi, Tân cúi gằm mặt bỏ chạy. Tôi thầm nghĩ: “Chắc có lẽ Tân đã biết lỗi nên không dám đối mặt với mình”. Tôi nói chuyện với dì của Tân về tính quan trọng của đợt thi, kể chuyện Tân và tâm sự:     
        - Tân là một học sinh có nhiều nét tính cách đáng mến: nhiệt tình, năng nổ trong công việc lớp, hay giúp đỡ bạn bè, biết nghe lời nói phải. Chỉ có điều hay nóng nảy, bốc đồng. Chị chuyển lời với Tân là cô chủ nhiệm tha thiết mong Nhân đến trường.
         Tôi không quên để lại những dòng thư bày tỏ sự quan tâm đến Tân và mong em cố gắng học bài ôn thi. 
  Tối hôm đó,Tân đến nhà tôi nộp bản kiểm điểm. Tôi đọc kĩ thấy Tân chỉ kể lỗi về việc bỏ giờ và không nhắc đến chuyện ném đá. Mặc dầu vậy, lòng tôi vẫn thấy vui vì Tân đã phần nào biết lỗi. Tôi đến trường báo với ban giám hiệu và xin phép cho Tân được thi lại những môn chưa thi. Rồi Tân đỗ tốt nghiệp và ôn thi lớp 10 đậu trường công lập. Sau đó, tôi được biết em hoàn toàn khác trước - một cậu Tân đàng hoàng, chững chạc, lễ phép… Tôi kể lại tường tận câu chuyện cho thầy hiệu trưởng nghe (lúc bấy giờ là Thầy Phạm Quang Thanh), thầy bảo:
- Cô đã cứu vớt được một linh hồn.
 Kể từ đó, tết năm nào em cũng đến thăm tôi. Hiện giờ, em là nhân viên của một công ti quảng cáo ở thành phố.
Hình như trong em còn áy náy vì nợ tôi một lời xin lỗi. Tôi cảm nhận được điều đó nên tìm cách khơi chuyện để em hiểu rằng tôi đã bỏ qua cho em từ lâu lắm rồi.
         Còn chuyện về Huy. Tôi đã cố gắng tìm hiểu hoàn cảnh gia đình rất đỗi đặc biệt của em và trò chuyện với Huy  và bày tỏ sự cảm thông, chia sẻ. Huy đã biết lỗi và em đã tiến bộ hơn. Cứ mỗi lần như thế, tôi lại nhớ đến câu nói của một thầy giáo mà tôi luôn quí trọng. Trò chuyện về nghề, thầy hỏi:
      - Trong nghề dạy học, điều gì khó nhất?
         Học viên chúng tôi tranh nhau trả lời. Nào là kinh tế nhà giáo còn khó khăn; nào là soạn giáo án vi tính, điện tử vất vả; nào là công tác phổ cập vận động ra lớp nhọc nhằn; học trò học yếu, ham chơi game…
         Thầy lắc đầu:
      - Khó nhất là thương những học trò lười, nghịch, vô lễ.
         Càng nghĩ càng thấm thía lời thầy. Đã hai mươi hai năm trong nghề, buồn vui lẫn lộn. Bao thế hệ học trò đi qua. Những học sinh giỏi ngoan, điều hiển nhiên là tôi rất quí. Còn những học trò mà có người gọi là gần giống “quỉ ma” tôi vẫn không quên bằng tất cả tấm lòng yêu thương. Thì ra cái điều khó nhất của nghề tôi đã và đang vượt qua. Tôi mong sao trong quãng đường  còn lại của nghề tôi luôn có  sức khỏe  dồi dào, trí tuệ sáng suốt để dạy tốt và  yêu những học trò chây lười, nghịch ngợm…, yêu cái nghề mà tôi đã đặt hết tâm huyết của đời mình vào đấy. Tôi cũng thầm cảm ơn các em - những học trò cá biệt. Các em đã cho tôi hiểu cái cam go, thử thách của nghề và giá trị của tấm lòng người  làm nghề dạy học.
                                                                                                    
                                                                                       Nguyễn Thị Bích Trâm


1 nhận xét:

  1. Những chuyện như thế này thì người đi dạy nào cũng gặp phải nhưng chỉ có thầy cô giáo tâm huyết với nghề thì mới ứng xử tinh tế, khéo léo để vượt qua cái tôi của mình mà giáo dục đứa trẻ nên người .
    Cảm ơn BTr. đẫ chia sẻ một câu chuyện nhỏ mà đầy ý nghĩa nhân văn .
    Chúc B.Tr thành công với nghề nghiệp của mình.

    Trả lờiXóa