Thứ Sáu, 2 tháng 11, 2012

111/ CHỊ CÓ CHỒNG


 Truyện ngắn
  
      Bếp lửa đỏ hừng hực. Hai má đỏ bừng, mồ hội rịm rịm lăn trên cái cổ gầy phập phồng. Tay múc gáo bột tráng đều trên khuôn bánh, đậy vung lại, chị ngồi đăm chiêu. Tiếng con bé vọng vào từ ngoài sân. Nó vừa đi học về.
-            -  Mẹ ơi! Nộp tiền học cho con!
-           - Thì từ từ vài hôm nữa mẹ lo cho đủ tiền.
-           -  Cả lớp con đứa nào cũng nộp xong chỉ mình con chưa có, con bắt đền mẹ! – Con bé dậm chân mếu máo.
       Chị im lặng. Khoản tiền học phí kỳ II của con chỉ có một trăm  ngàn đồng, chị cũng không biết kiếm đâu ra. Mỗi bữa bán một ang gạo mì chỉ đủ ăn qua ngày. Lại tiền thuốc thang nữa…
-             -Tại mẹ không lo tiền cho con sớm – Con bé phụng phịu.
Nghĩ mà thương con . Chị  dỗ dành:
-                - Để mai mẹ bán con gà mái nộp cho …


       Không để cho mẹ nói hết câu con bé lật đật cất vở chạy lại, bá vai vào chị:
-             - Đừng mẹ, đừng bán con gà mái. Để nó đẻ. Mẹ mượn đỡ rồi con nhổ rau má bán trả giúp mẹ.
       Chị  nhỏ  giọng :
-               - Ừ ,con tính rứa cũng được !
       Thoáng trên môi chị nụ cười gượng gạo xót xa. Chị có mỗi một đứa con mà cũng thiếu trước hụt sau. Làm mẹ như mình thật đáng trách! Chị nhớ hồi năm ngoái, nuôi được con heo to chuẩn bị cho một năm học mới của con. Rồi chị đau một trận, tiền bán đổ bán tháo cũng chỉ đủ trả nợ và nộp tiền nhập học lớp sáu cho con. Chiếc xe đạp trành cũng không có tiền sửa. Chị đành phải để cho con đi  nhờ xe, có hôm thì lội bộ gần 4 cây số đến trường.
       -  Cho miếng nước… nh…à…Tam.
 Tiếng gọi lự nhự của ông Lữ cắt ngang dòng suy nghĩ của chị. Chị vội bưng nước đến cho chồng uống trong dáng người uể oải, nặng nề. Cái thai đã hơn bảy tháng. Sáng nào chị cũng ra chợ ngồi bán từng cân mì. Mệt đứt hơi lại phải nghe những lời xì xào bàn tán của người xung quanh.
-               - Kiếm được đứa con là sướng rồi. Còn ham gì mà rước cái lão già ấy về cho khổ thân.
-             - Bốn mấy tuổi rồi mà còn sanh đẻ. Lão ấy lại nằm một chỗ. Cái bầu nớ vỡ ra không biết lấy gì mà ăn. “Đã nghèo lại đeo thêm nợ”.
-            - Các bà có chồng thì nói vậy chứ người ta cô đơn thì cũng muốn có thêm người đàn ông cho vui cửa ấm nhà.
     …
  Mặc ai nói gì thì nói, chị không đôi chấp. Bán xong chị quảy gánh đi đong gạo rồi vội về. Chị còn phải lo cho ông Lữ. Kể từ hôm ông Lữ bị trượt ngã tính đã hơn mười ngày. Cái lưng ông băng bột trắng lốp cứng đờ như bất động trên giường.
-              - Nhà nó vất vả quá. Không biết chừng nào tôi mới đi lại được. Ông Lữ thở dài và cựa mình.
-              - Ôi trời ơi! Ông đừng động đậy. Vết thương lâu lành lắm!
    Chị bưng lại một bát cơm và lấy khăn lau những giọt mồ hôi trên trán chồng: “Tại mình bảo ông ấy đi vác củi nên mới ra nông nổi này. Cầu trời cầu đất cho ông ấy lành lặn.”  Nhìn chồng mà lòng chị như xát muối.
  Chị lại nhớ thời con gái . Chị yêu anh bộ đội quê ở tận ngoài Bắc. Chị tin rằng  sẽ có ngày chị được hạnh phuc ... Rồi anh ấy xuất ngũ, chị đợi chờ ....  Sau đó vài năm chị  mới  biết ... anh ấy đã  cưới  vợ là người  yêu  cũ ở quê.  Chị đau nỗi đau không tìm ra nước mắt .Và rồi cũng có  vài người ngõ lời nhưng chị từ chối.
  Thời gian cứ trôi, chị không muốn đếm tuổi mà tuổi đã gần bốn mươi. Mặc cho thiên ha luận bàn “không chồng mà chửa” chị sanh bé Lan. Một mình con nhỏ xoay xở mưu sinh, vất vả trăm bề nhưng chị vui và mãn nguyện. Thế rồi mẹ ốm, con đau cuộc sống ngày càng thêm  khó khân. Vườn rộng, ruộng hai sào  nhưng chị không có sức. Thuê mướn người ta lấy gì mà trả. Cái nhà tôn lụp xụp đã nhiều năm cũng không sửa nổi. Địa phương xét hoàn cảnh làm cho chị một ngôi nhà tình nghĩa. Ông Lữ ở nơi xa đến làm thuê ở làng chị. Tuổi đã sáu mươi nhưng ông cần cù, bền sức. Chị nhờ ông làm nền nhà, sửa bếp, trồng sắn trồng khoai… Một người sống rày đây mai đó không vợ con như ông có mong gì tìm được một chỗ trú chân. Và chị cũng luôn ao ước có một người để nương tựa, để được  giúp đỡ, gánh vác chuyện nặng nhọc. Và một lần nữa, bất chấp mọi lời khuyên ngăn, bàn ra của bà con, hàng xóm, chị chấp nhận lấy ông Lữ làm chồng. Chị biết ai cũng muốn điều tốt cho chị. Có chồng thêm gông đeo cổ mà. Chị có cái lý riêng của mình. Và điều đó thật khó giải bày. Chị tự nhủ: âu cũng là số phận…
  Hai tháng gần sinh chị thường mệt mỏi nên không tráng được mì đành phải bỏ nhiều buổi chợ, chị tiếc lắm. Rồi ông Lữ khỏe đi lại được. Chị chuyển bụng. Trong túi chẳng còn đồng tiền dành dụm nào. Đau âm ỉ mấy ngày vẫn không sanh được, trạm xá chuyển chị xuống đến bệnh viện. Nhớ lại lần đầu sanh mổ, chị lo quá. Chị thương bé Lan “lỡ mình có bề gì ai lo cho nó, con bé đã chịu thiệt thòi nhiều rồi!” Đầu óc chị cứ rối lên những suy nghĩ vẩn vơ. Sang ngày thứ hai, bác sĩ quyết định hút cháu bé. Một bé trai ra đời nhưng quá yếu nên phải nuôi trong lồng kính. Chị mệt lả người lịm đi.
 Nợ nần lo cho chồng chị vẫn chưa trả. Chẳng ai tán thành trước sự tác hợp của chị và ông Lữ. Lại còn sanh nở, dại thì cho chết! Họ bảo thế. Chị còn dám mở miệng vay mượn ai. Mấy ngày đầu ông Lữ đem chiếc xe đạp trành đi cầm được ba trăm ngàn xuống thăm, đem cơm cho chị. Ông vui và cứ trầm trồ thằng bé. Đi đâu ông cũng khoe: “con tôi nặng ba ký, nó dễ ghét lắm.”
  Đã trưa rồi sao không thấy ông Lữ xuống. Chị lẩm bẩm một mình. Đói bụng quá mà chẳng có đồng nào. Mấy người nuôi sinh cùng phòng mua cơm cho chị ăn. Người chị xanh như tàu lá luộc, đi ngã gió. Khoản tiền viện phí một triệu đồng chị biết lấy gì để thanh toán . Miệng chị đắng ngắt, nuốt miếng cơm không trôi. Đã hai ngày ông Lữ không thấy tăm hơi. Chắc là không vay được tiền? Bệnh viện nói đúng. Mình không thuộc diện được miễn giảm. “Có chồng sờ sờ ra đó, chồng phải lo chứ”. Nghĩ mà tội cho ông Lữ. Ông mới khỏe lại đã làm gì được kiếm tiến. Chị nằm xuống mà vẫn không chợp mắt được. Không có con, chân tay cứ dư thừa, vú lại cương sữa ướt hết cả áo. Chị trở dậy đi ra ngoài, đôi chân run run lê từng bước. Người gổng gổng mất thăng bằng. Đầu óc cứ căng ra. Căn phòng, hành lang trống rỗng lạnh lẽo đến khiếp! Chị dừng lại bên cây trụ, mắt nhìn sang tầng hai đối diện – nơi đứa con trai nhỏ  của chị được các bác sĩ chăm sóc…
Sáng sớm, có ai hỏi tên chị. Chị mừng thầm “chắc là ông Lữ”. Thì ra là bà Như tổ trưởng tổ phụ nữ cùng mấy người bà con hàng xóm. Có cả mấy bà mọi hôm xét nét lắm điều ở chợ. Họ trò chuyện hỏi han động viên an ủi chị. Họ mừng cho chị sanh được bé trai. Mọi người ra về để lại xách đường sữa và một phong bì. Chị cảm thấy thật xấu hổ nhưng chị đang cần tiền. Chị thầm cảm ơn mọi người, họ đã không bỏ rơi chị… Nộp xong tiền viện phí, chị xin thăm con. Bác sĩ bảo:
-              - Cô đừng lo, cứ nằm nghỉ cho khỏe. Cần phải nuôi cháu thêm vài hôm nữa. Khi nào tôi bảo chị lại đến bế cháu.
 Chị cố nài nỉ. Cô ý tá bảo vào làm mất vệ sinh em bé. Chị đành nhìn con qua mấy lớp cửa kính lờ mờ rồi lững thững đi ra. Chị đón xe về nhà.
         Bé Lan đòi chị đem em về cho nó bế. Mấy ngày đi chặt củi kiếm được ít tiền, ông Lữ cũng nóng lòng muốn xuống thăm con. Chị không cho: “Tôi vào chẳng được, ông xuống đó làm gì?” Ba ngày ở nhà, hàng xóm đến thăm nom, chị càng thêm nhớ con. Mặt mũi nó chị chưa tường tận. Sáng ngày hôm sau chị chuẩn bị đi thì nhận được điện thoại của bệnh viện… Sắp được ôm con trong tay chị mừng lắm.
       Bước lên những bậc cầu thang lòng chị nôn nao. Ôi con của mẹ! Mọi hôm con khua chân múa tay trong bụng mẹ nay tha hồ vung đạp nghe con ! Con về cả nhà sẽ  rất vui! Sữa chảy ướt áo mẹ rồi ! Con tha hồ mà bú… Thoáng một cái, chị đã đến trước phòng con. Cô y tá chạy ra với vẻ mặt buồn rầu:
-               Chúng tôi đã cố hết sức. Chị đem cháu về.
-             - Cô nói sao? Cô nói sao? Chị không tin ở tai mình. Đôi chân chị khuỵu xuống. Hai tai ù ù, đôi tay rã rời…
 Chị ngắm nhìn gương mặt xinh xắn của con mà lòng quặn thắt. Cái mũi cao sao mà giống ông Lữ. Còn cái miệng nhỏ xíu hệt bé Lan. Chị khẽ vuốt mắt cho con.
Chị thì thầm vào đôi tai nhỏ, giọng nghẹn ngào:
-               - Ôi ... con....c,,o,,,n 
Chị cố nén để không bật ra tiếng khóc. Những giọt nước mắt kế nhau lăn rồi khô đọng trên đôi gò má.
Một tháng sau khi sanh, chị không dám đi đâu cả. Có dám mang “cái họa” này đi tới nhà ai.Cứ mãi thế này thì sống ra sao? Còn phải lo tiền cho bé Lan vào đầu năm học lớp 7 sắp tới. Nào sách vở, nào xe đạp, nào áo quần… Ông Lữ sửa lại cái bếp lò. Bé Lan đi đong gạo xay bột. Chị tráng mì “mở hàng” chuẩn bị cho buổi chợ sáng mai.

Nguyễn Thị Bích Trâm

1 nhận xét:

  1. Có vài cảm nhận về truyện ngắn này:
    - Cốt truyện chặt chẽ , sự việc chân thực.

    - Đọc phần giữa thấy có sự đột biến của tình huống theo hướng bất ngờ , gây cảm giác hụt hẩng từ nhân vật chính đến cả người đọc .

    - Phần kết: tuy là câu chuyện buồn nhưng kết thúc có tính nhân bản, không bi quan - tất nhiên không thể gọi là lạc quan - mà vẫn sống trong dòng chảy cuộc sống như nó đang "là" (tiếng Anh có động từ TO BE để diễn tả cái đang hiện hữu - dịch TV "là") .

    Cái kết này còn gợi lên ý nghĩa về SỰ SỐNG chứ không chỉ là TỒN TẠI - nhất là những người gặp cảnh ngộ khó khăn (tiếng Anh có câu rất hay "TO BE OR NOT TO BE" - "tồn tại hay không tồn tại" -để nói lên nghị lực, tự vấn của con người trước những tình huống cuộc sống).

    Ý đồ của người viết rất hay, biết cách dẫn dắt cảm xúc người đọc.

    Chúc mừng chị Bích Trâm có truyện ngắn thành công, em rất thích chất văn giản dị , chân thực của chị (kể cả thơ cũng vậy).

    Trả lờiXóa