Thứ Năm, 8 tháng 11, 2012

114/ CHUYÊN ĐỀ: “DẠY HỌC DỰA TRÊN GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ” GIAI ĐOẠN 2 – NĂM HỌC: 2012 - 2013


      Nguồn :Trường THCS Trần Phú - Phú Ninh

Thực hiện công văn số 345/KH - GDĐT ngày14/9/2012 của Phòng GD&ĐT  Phú Ninh về kế hoạch sinh hoạt chuyên đề năm học 2012 - 2013.
            Được sự phân công của lãnh đạo Phòng, của BGH trường THCS Trần Phú, tổ Ngữ Văn đã triển khai kế hoạch và thực hiện chuyên đề năm học 2011 - 2012 và  năm học 2012 – 2013  như sau:
PHẦN I
BÁO CÁO TÌNH HÌNH DẠY HỌC CỦA TRƯỜNG THEO
 HƯỚNG PHÁT HUY TÍNH TÍCH CỰC, SÁNG TẠO
CỦA  HỌC SINH
 I/ ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH:
 Tổ Ngữ Văn trường THCS Trần Phú gồm 7 đ/c. Trong đó: 01GV nam, Đảng viên: 2, đạt chuẩn : 7 , trên chuẩn: 5 , BGH: 1, cán bộ thư viện: 1

1. Thuận lợi:
  -  Được sự quan tâm chỉ đạo của Phòng GD&ĐT Phú Ninh, sự chỉ đạo trực tiếp
sát sao của BGH nhà trường.
  - GV trong tổ nhiệt tình, trách nhiệm; được tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ do phòng giáo dục và trường tổ chức. Năm học 2011 – 2012 giáo viên được dự sinh hoạt chuyên đề tại trường Nguyễn Hiền và Phan Chu Trinh để trao đổi học hỏi kinh nghiệm, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình đổi mới phương pháp giảng dạy.
  -  Bộ GD&ĐT đã điều chỉnh giảm tải nội dung chương trình tạo điều kiện thuận lợi cho người dạy và người học.
 2. Khó khăn :
   -  Việc dạy học theo hướng phát huy tính tích cực sáng tạo của học sinh còn gặp khó khăn do trình độ của học sinh không đồng đều.
  -   GV còn lúng túng trong việc thực hiện phương pháp dạy học tích cực.
II/ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CHUYÊN ĐỀ CỦA TRƯỜNG:
   Trong năm học 2011 - 2012 song song với việc thực hiện chuyên đề cấp huyện  “Dạy học theo chuẩn kiến thức, kĩ năng và phân hoá theo năng lực học sinh”, ngay từ đầu năm học tổ đã xây dựng kế hoạch và thực hiện sinh hoạt chuyên đề  cấp trường tập trung vào những nội dung cụ thể sau:
  - Chuyên đề 1: Hướng dẫn học sinh lớp 6 học tốt phần VHDG theo chuẩn kiến thức kĩ năng ( tháng 10/2011)
  - Chuyên đề 2: Sử dụng PP trực quan bằng hình ảnh, sơ đồ trong giảng dạy bộ môn Ngữ Văn 9 theo chuẩn kiến thức kĩ năng ( tháng 11/2011 )
  - Chuyên đề 3: Đổi mới PP dạy học với việc sử dụng sơ đồ tư duy trong bộ môn Ngữ Văn theo chuẩn KT- KN ( tháng 3/2012)
  - Chuyên đề 4: Cách dạy tốt tiết ôn tập theo chuẩn kiến thức kĩ năng(tháng 4/2012) .
 III/ BÀI HỌC KINH NGHIỆM: Qua các chuyên đề đã thực hiện trong năm học 2011 – 2012, chúng tôi rút ra được nhữn bài học sau:
1.     Về phía học sinh:
-         Phải có sự chuẩn bị bài chu đáo, kĩ càng dưới sự hướng dẫn của giáo viên bộ môn
-         Phải tích cực, chủ động tham gia vào các hoạt động trong giờ học.
Từ đó các em được rèn một số kĩ năng và tiếp thu kiến thức một cách nhẹ nhàng, thoải mái.
2.     Về phía giáo viên:
-         Phải xác định được kiến thức trọng tâm theo chuẩn kiến thức kĩ năng
-         Phải không ngừng tìm tòi, học hỏi để áp dụng các phương pháp dạy học tích cực vào quá trình soạn giảng.
-         Phải  sử dụng khéo léo, linh hoạt các phương pháp dạy học tích cực vào từng bài cụ thể.
-  Phải quan tâm đến học sinh; Tùy từng đối tượng học sinh mà có những phương pháp phù hợp  để tạo hứng thú, lôi kéo các em tham gia tiết học một cách chủ động.  

PHẦN II
CHUYÊN ĐỀ: “DẠY HỌC DỰA TRÊN GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ”
GIAI ĐOẠN II

     Chuyên đề: “Dạy học dựa trên giải quyết vấn đề” được phòng GD&ĐT Phú Ninh chỉ đạo, tổ chức thực hiện trong năm học 2012- 2013 chia làm 4 giai đoạn:
- Giai đoạn 1: Tổ chức tại trường từ đầu năm học đến đầu tháng 11/2012(mang tính thử nghiệm”.
 - Giai đoạn 2: Tổ chức sinh hoạt toàn huyện vào đầu tháng 11/2012.
- Giai đoạn 3: Tự tổ chức dự giờ, rút kinh nghiệm tại trường
- Giai đoạn 4:  Tổng kết chuyên đề toàn huyện vào giữa tháng 3/2013.
      Qua thời gian nghiên cứu, tìm hiểu, tổ chức thực hiện giai đoạn I tại trường, chúng tôi rút ra được những cảm nhận và xin trình bày về chuyên đề: “Dạy học dựa trên giải quyết vấn đề” như sau:
I/ ĐẶT VẤN ĐỀ :
    Trước đây, giáo viên chúng ta đã làm quen với phương pháp “Dạy học nêu vấn đề” và đến nay chúng ta đã vận dụng một cách thành thạo phương pháp này trong quá trình giảng dạy ở hầu hết các bộ môn trong trường THCS. Phương pháp dạy học này nhằm rèn cho học sinh khả năng phát hiện vấn đề từ tình huống trong thực tiễn hoặc trong học tập. Đây là một khả năng có ý nghĩa rất quan trọng đối với một con người và không phải dễ dàng mà có được. Mặt khác sự thành đạt trong cuộc đời không chỉ tuỳ thuộc vào năng lực phát hiện kịp thời những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn mà bước quan trọng tiếp theo là giải quyết hợp lí những vấn đề được đặt ra.
   Hiện nay phương pháp “Dạy học dựa trên giải quyết vấn đề” - cách hiểu khác của “dạy học nêu vấn đề” - là phương pháp đang được các chuyên gia giáo dục quan tâm và đưa vào thực tế giảng dạy nhằm đòi hỏi ở người học một tư duy tích cực, chủ động để nắm bắt kiến thức môn học một cách hiệu quả nhất, tối ưu nhất. Như vậy, chúng ta đang làm “cái mới” trên nền “cái cũ”. Song phải hiểu rõ bản chất và thực hiện phương pháp dạy học này như thế nào, đó là điều khiến chúng ta trăn trở và thực sự quan tâm.
  Mỗi phương pháp dạy học đều có những ưu điểm và hạn chế nhất định, trong thực tế không có phương pháp dạy học nào là hoàn hảo, tối ưu. Vấn đề là người dạy phải biết vận dụng phương pháp nào và vận dụng ra sao để đem lại hiệu quả tốt nhất cho người học. Nhất là các phương pháp dạy học tích cực hiện nay, luôn coi trọng mục tiêu lấy người học làm trung tâm.
  Với tinh thần không ngừng đổi mới phương pháp dạy học, nâng chất lượng giảng dạy trong nhà trường theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo của học sinh qua việc vận dụng các phương pháp dạy học tích cực, kĩ thuật dạy học tích cực hướng các em vào việc vận dụng kiến thức để giải các bài toán, tình huống trong thực tế  cuộc sống, năm học 2012 - 2013 Phòng GD&ĐT Phú Ninh tổ chức sinh hoạt chuyên đề “Dạy học dựa trên giải quyết vấn đề” ở 9 trường THCS trong huyện ở các bộ môn trong đó có môn Ngữ Văn của chúng ta.
  II/ GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
   “Dạy học dựa trên giải quyết vấn đề” là phương pháp dạy học theo định hướng lấy học sinh làm trung tâm. Trong đó học sinh học về các chủ đề thông qua các vấn đề có trong thực tiễn và liên quan tới nội dung môn học. Làm việc theo nhóm, học sinh xác định những điều đã biết, những điều cần biết, và làm thế nào để có được những thông tin cần thiết trong việc giải quyết vấn đề. Để vận dụng phương pháp này vào quá trình giảng dạy là điều không hề đơn giản đối với mỗi giáo viên chúng ta.
1)    Thực trạng vấn đề:
 a. Đối với học sinh:
      Như chúng ta đã biết, các phương pháp dạy học tích cực đều yêu cầu học sinh phải tích cực, chủ động, siêng năng và sáng tạo... Trong thực tế, yêu cầu này không phải học sinh nào cũng đáp ứng được bởi trình độ học sinh trong một lớp học là không đồng đều, có một số học sinh học quá yếu, không theo kịp tiến trình bài học. Mà đối với  phương pháp “Dạy học dựa trên giải quyết vấn đề” yêu cầu, đòi hỏi học sinh phải vận dụng kiến thức bài học để giải quyết tình huống trong thực tế nên học sinh không đủ khả năng khám phá hết yêu cầu của bài học, hoặc đi sai hướng giải quyết vấn đề, có thể không làm đúng những điều giáo viên mong muốn.
    b. Đối với giáo viên: Vì mới là bước đầu mang tính thử nghiệm nên chúng tôi  còn lúng túng, gặp những khó khăn khi thực hiện phương pháp này. Cụ thể như sau:
       -  Khó khăn khi chọn vấn đề phù hợp để đưa vào nội dung bài dạy.
       -  Phải đầu tư nhiều thời gian và công sức để lập kế hoạch và thực hiện
       -  Đòi hỏi giáo viên phải hiểu biết rộng, nhạy bén trong việc liên hệ giữa kiến thức trong cuộc sống với những vấn đề mà mình cần giải quyết trong từng bài học liên quan đến phạm vi, nội dung trong chuẩn kiến thức kĩ năng của chương trình.
   2) Nguyên tắc của “Dạy học dựa trên giải quyết vấn đề”.
      - Dạy học dựa trên giải quyết vấn đề nhằm nhấn mạnh khâu giải quyết vấn đề, coi đây là khâu chủ yếu. Nếu học sinh tham gia vào khâu này thì sẽ vừa nắm được kiến thức, vừa nắm được phương pháp để đi đến kiến thức đó.
     - Dạy học dựa trên giải quyết vấn đề nhằm khám phá những vấn đề từ thực tiễn có liên quan đến người học và liên quan đến nội dung học tập đã được qui định trong chuẩn kiến thức kĩ năng. Trên cơ sở đó, người học tự chiếm lĩnh tri thức và phát triển các năng lực như lập kế hoạch, tự định hướng học tập, hợp tác, các kĩ năng tư duy bậc cao, kĩ năng sống.
     - Về bản chất, đó là việc học mà kết quả của nó thu được từ kết quả của quá trình giải quyết vấn đề. Do đó vấn đề vừa là bối cảnh, vừa là động lực cho việc học, quá trình giải quyết vấn đề là phương tiện đạt đến kết quả của việc học.
     - Trong dạy học dựa trên giải quyết vấn đề, kiến thức, kĩ năng cần học tập thường không được trình bày dưới dạng mặc định, có sẵn mà tiềm ẩn trong các vấn đề. Khi giải quyết, các vấn đề sẽ được bộc lộ, thông qua giải quyết vấn đề, người học sẽ chiếm lĩnh được các kiến thức, kĩ năng. Vì vậy việc phát hiện, xây dựng vấn đề, tổ chức các hoạt động giải quyết vấn đề là nội dung trọng tâm của dạy học dựa trên giải quyết vấn đề.
   3) Qui trình “Dạy học dựa trên giải quyết vấn đề” .
      Qui trình “Dạy học dựa trên giải quyết vấn đề” được thực hiện thông qua 4 giai đoạn.
    a. Giai đoạn 1: Xác định và tìm hiểu vấn đề.
       Mục tiêu của giai đoạn này là giới thiệu tình huống chứa đựng vấn đề, giúp học sinh tiếp nhận, sẵn sàng và mong muốn tham gia giải quyết vấn đề dưới sự dẫn dắt của giáo viên. Giai đoạn này được tiến hành thông qua 5 bước:
     * Bước 1: Giới thiệu tình huống chứa đựng vấn đề
            Để thực hiện bước này có nhiều cách giới thiệu tình huống khác nhau như kể một câu chuyện, thuật lại một sự kiện, nêu một bài học, xem một đoạn video ... chứa đựng vấn đề GV đã xác định trước đó.
           Ở phần giới thiệu vấn đề yêu cầu người dạy đưa ra những tình huống phải đảm bảo các yêu cầu sau :
     + Tồn tại mâu thuẫn, kiến thức đã có không đủ giải quyết.
     + Có cơ sở từ nội dung học tập.
     + Liên quan đến thực tiễn .
     + Giúp phát triển kĩ năng tư duy ở mức cao.
     + Thu hút sự quan tâm, hứng thú từ người học.
     + Khuyến khích hợp tác, giải quyết vấn đề.
    Các mức độ thể hiện của vấn đề :
     - Mức độ 1: Bài tập vận dụng
       Thường là bài tập vận dụng cuối bài học hoặc chương và được trình bày ngay trong SGK hoặc SBT. Ở mức độ này, vấn đề sẽ phát triển kĩ năng tư duy của học sinh ở mức độ biết và hiểu. Vấn đề được giới hạn trong khuôn khổ chương trình học tập và đều đã biết với HS.
- Mức độ 2: Câu chuyện thực tế dựa trên bài tập
        Là sự chuyển hoá các bài tập vận dụng ở mức độ 1 thành các tình huống trong thực tiễn và được thể hiện thông qua các câu chuyện. Mức độ này giúp phát triển kĩ năng hiểu và vận dụng cho HS. Mức độ này có ưu điểm là có sự liên quan của tình huống với thực tiễn đời sống của học sinh. Từ đó HS sẽ nhận thức rõ ý nghĩa của  môn học và tích cực tham gia tìm hiểu, giải quyết vấn đề.
      - Mức độ 3 : Tình huống thực tế
        Đây là mức độ cao nhất của vấn đề và là mục tiêu hướng tới khi sử dụng dạy học dựa trên giải quyết vấn đề. Đó là những tình huống trong thực tế, chứa đựng những nội dung kến thức trong chương trình học tập mà các em chưa biết. Muốn giải quyết được cần phải tự định hướng và chiếm lĩnh tri thức cần thiết không chỉ trong một môn học mà có thể trong nhiều môn; không chỉ trong lí thuyết mà còn trong thực tiễn. Mức độ này giúp học sinh phát triển các kĩ năng tư duy bật cao như phân tích, tổng hợp, so sánh thông qua các hoạt động khám phá, nghiên cứu và giải quyết vấn đề.
        Ví dụ 1: Khi dạy bài “ Các phương châm hội thoại” ( Tiết 13, Văn 9) GV nêu tình huống.
      Chiều nay, Nam cùng mẹ vào bệnh viện thăm bác Tư. Vì bác Tư bị ung thư giai đoạn cuối đang nằm tại bệnh viện Đa khoa. Khi di ngang qua phòng trực của bác sĩ, tình cờ Nam nghe được cuộc trò chuyện giữa bác sĩ với anh Nhân- con trai của bác Tư. Vừa đi Nam vừa băn khoăn không hiểu tại sao bác sĩ lại nói với anh Nhân không đúng về tình trạng sức khoẻ của bác Tư. Vì Nam được biết là trong giao tiếp cần phải nói đúng sự thật. Chẳng lẽ bác Tư được cứu sống? Nam không tin.
        Ví dụ 2: Khi dạy bài “ Thông tin về ngày trái đất năm 2000” ( Văn 8) giáo viên nêu tình huống : Thời gian gần đây có rất nhiều lời khuyên, lời đề nghị “hãy dùng túi thân thiện với môi trường, túi giấy để thay thế cho túi ni lông”. “Hãy xách giỏ đi chợ”. Và đã có nhiều người thực hiện điều này. Tuy nhiên trong thực tế thói quen dùng túi ni lông vẫn còn khá phổ biến vì tính tiện lợi của nó. Nhiều người dùng xong cẩn thận đem đốt, người thì chôn xuống đất hoặc bỏ vào thùng rác nơi công cộng. Nhiều người do thiếu ý thức nên cứ tiện đâu vứt đấy nhất là những nơi không có thùng rác công cộng.
        Ví dụ 3: Khi dạy bài “Thầy bói xem voi” ( Văn 6)
          Đầu năm học, thấy Hà ít nói, lại là con nhà khá giả nên Lan nghĩ rằng Hà chảnh, kiêu và quyết định không chơi với Hà. Hành động của Lan được một số bạn trong lớp ủng hộ. Mặc dù Liên đã giải thích rằng Hà vốn trầm tính chứ không chảnh như các bạn nghĩ nhưng Lan và nhóm bạn của mình không nghe. Trong suốt học kì I, Hà luôn là người gần gũi, chia sẻ khi bạn bè gặp khó khăn, phong trào nào của lớp Hà cũng tham gia rất nhiệt tình. Dần dần Lan và nhóm bạn của mình không còn thấy Hà khó gần như trước. Giờ các bạn đã trở thành những người bạn thân thiết của nhau.
      *Bước 2: Làm sáng tỏ vấn đề
        Thể hiện thông qua hệ thống các câu hỏi liên quan tới tình huống đã giới thiệu ở bước 1.
        Ví dụ 1: Sau khi nêu xong tình huống ở bài “Phương châm hội thoại” giáo viên nêu câu hỏi : Tại sao bác sĩ không tuân thủ phương châm hội thoại? Điều không tuân thủ này có vi phạm phương châm hội thoại trong giao tiếp không? Vì sao?
        Ví dụ 2: Từ tình huống ở bài “ Thông tin về ngày trái đất năm 2000” Giáo viên nêu câu hỏi : Vì sao phải hạn chế dùng bao ni lông ? Làm thế nào để những người quanh em không dùng bao ni lông?
         Ví dụ 3: Từ tình huống bài “Thầy bói xem voi” giáo viên nêu câu hỏi: Em có đồng ý với cách xử sự của Lan không? Qua cách xử sự của Lan, em rút ra bài học gì cho bản thân
     *Bước 3: Đề xuất các ý tưởng, giả thuyết
        Thông qua thảo luận giữa các thành viên trong nhóm với sự hỗ trợ phù hợp từ phía giáo viên  ( nếu cần), các nhóm sẽ đưa ra ý tưởng và giải quyết vấn đề . Tại thời điểm này ý tưởng và giả thuyết đó chưa được kiểm chứng, chưa có căn cứ chắc chắn.
     * Bước 4: Xác định các kiến thức cần cho việc giải quyết vấn đề
         Dựa trên các ý tưởng, giả thuyết đã nêu trong bước 3, liệt kê các nội dung kiến thức cần có để kiểm chứng. Trong bước này không quan tâm tới những gì đã biết và chưa biết.
      *Bước 5:  Liệt kê những kiến thức chưa biết   
        Xem xét danh mục các nội dung kiến thức cần có để giải quyết vấn đề, đề xuất các kiến thức mới cần nghiên cứu. Trong bước này sự tham gia gợi ý của GV có vai trò quan trọng trong việc định hướng học sinh tự xác định chính xác nội dung cần nghiên cứu .
   b. Giai đoạn 2: Tự tìm hiểu kiến thức có liên quan
       Trong giai đoạn này, học sinh sẽ tiến hành tự học về các chủ đề đã xác định tại bước 5 của giai đoạn 1 và được tiến hành thông qua hai bước sau đây:
 *Bước 1: Định hướng nguồn thông tin
         Nguồn thông tin nên tập trung chủ yếu vào SGK. Ngoài ra, cần tham khảo các tài liệu và thông tin trên Internet.
*Bước 2: Tự nghiên cứu
          Nội dung nghiên cứu có thể được tách thành từng chủ đề nhỏ phân công theo khả năng các thành viên trong nhóm. Trong quá trình học tập độc lập, các thành viên vẫn có thể trao đổi về nội dung mình phụ trách với các thành viên khác trong nhóm.
    c. Giai đoạn 3: Giải quyết vấn đề     
    Trên cơ sở thông tin mới thu nhận được thông qua giai đoạn 2 học sinh sẽ quay trở lại với vấn đề thông qua việc kiểm chứng ý tưởng và giả thuyết đã nêu ra ở giai đoạn 1 . Để đạt được kết quả tốt, giai đoạn này cần được tiến hành qua 2 bước :
       * Bước 1:  Hệ thống hoá kiến  thức mới nhận được.
          Các chủ đề thành viên trong nhóm nghiên cứu trong giai đoạn 2 cần được trình bày, thảo luận, chia sẻ. Qua đó đảm bảo tất cả thành viên trong nhóm đều hiểu được chủ đề và biết được ý nghĩa của nó trong việc kiểm chứng các ý tưởng và giả thuyết.
        * Bước 2: Đánh giá ý tưởng , giả thuyết
             Từng ý tưởng, giả thuyết sẽ được xem xét, kiểm chứng về tính đúng đắn. Trên cơ sở đó vấn đề được giải quyết trên cơ sở hệ thống kiến thức mới và sự suy luận có logic.
     d. Giai đoạn 4: Trình bày kết quả
         Kết quả của giải quyết vấn đề thể hiện thông qua việc hiểu vấn đề và sự lí giải hợp lí cho vấn đề. Giai đoạn này cũng được tiến hành thông qua 2 bước :
        * Bước 1: Viết báo cáo kết luận hay tạo sản phẩm
        * Bước 2:  Thể chế hoá kiến thức học được
            Đây là bước quan trọng, thể hiện sự xem xét lại các kiến thức liên quan tới môn học đã lĩnh hội được thông qua giải quyết vấn đề. Qua đó đáp ứng được mục tiêu học tập đã đề ra cho môn học.
    III/ KẾT THÚC VẤN ĐỀ :
      Phương pháp dạy học tích cực nói chung và phương pháp “Dạy hoc dựa trên giải quyết vấn đề” nói riêng nhằm giúp học sinh hứng thú và tự giác trong học tập. Đồng thời qua các hình thức tổ chức học tập hợp tác giúp học sinh có kĩ năng giao tiếp, kĩ năng thuyết phục, kĩ năng lắng  nghe tích cực, ý thức tổ chức, tinh thần tương trợ được rèn luyện và phất triển. Thông qua việc tự đánh giá kết quả học sinh không chỉ được rèn luyện kĩ năng xem xét, phân tích vấn đề mà còn tự điều chỉnh cách học của mình hợp lí hơn.
                                                          PHẦN III
BÀI HỌC KINH NGHIỆM VÀ ĐỀ XUẤT
    1) Bài học kinh nghiệm:
       - Để thực hiện tốt phương pháp này yêu cầu giáo viên phải xác định nội dung trọng tâm của bài học theo chuẩn kiến thức kĩ năng, xây dựng được tình huống thực tế có liên quan đến nội dung bài học và vận dụng kiến thức trong bài học để giải quyết vấn đề.
       - Tuỳ theo đối tượng học sinh mà giáo viên vận dụng các mức độ thể hiện của vấn đề cho phù hợp.
       - Không phải bài học nào giáo viên cũng phải tạo cho bằng được tình huống có vấn đề mà tùy thuộc vào từng bài học, tiết học cụ thể. Do đó giáo viên cần phải linh hoạt trong mọi tình huống để sử dụng phương pháp này một cách phù hợp.
- Trong một tiết học có thể vận dụng linh hoạt nhiều phương pháp dạy học, kĩ thuật dạy học, như: ƯD CNTT, Phát hiện và giải quyết vấn đề, dạy học hợp tác nhóm, dạy học bằng sơ đồ tư duy... để giúp học sinh tìm hiểu bài, chiếm lĩnh  tri thức
    2) Đề xuất : Đối với những chuyên đề cấp huyện như thế này khi tập huấn phòng giáo dục mới chỉ tập huấn lí thuyết thì chưa đủ nên có những tiết dạy thử nghiệm mẫu để giáo viên học hỏi rút kinh nghiệm qua đó áp dụng vào quá trình giảng dạy của mình cho khỏi lúng túng.         

Trên đây toàn bộ nội dung chuyên đề “Dạy học dựa trên giải quyết vấn đề” được tổ Ngữ văn trường THCS Trần Phú tìm tòi, nghiên cứu, thực hiện từ đầu năm học 2012 - 2013 đến nay. Vì mới chỉ là bước đầu thử nghiệm nên chuyên đề không tránh khỏi những hạn chế, thiếu sót, mang tính chủ quan. Rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm của các thầy cô giáo dạy Ngữ văn trên địa bàn huyện để chuyên đề của chúng ta đầy đủ hơn, hoàn chỉnh hơn. Từ đó, chúng ta rút ra được những điểm chung nhất của phương pháp dạy học tích cực này để áp dụng vào từng bài dạy cụ thể nhằm nâng cao chất lượng môn văn trong các trường THCS trên địa bàn huyện.
Xin trân trọng cảm ơn!

                                                                                  Tam Đàn, Tháng 11 năm 2012

          

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét