Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2013

259/ PHONG CÁCH NÊU GƯƠNG CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

Bài tham gia dự thi Tìm hiểu về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tháng 8-2013 của đảng bộ thị trấn Phú Thinh  do cô  Nguyễn Thị Thúy Vi (hiệu phó trường THCS Nguyễn Hiền ) thực hiện đạt giải nhất 

 “ Người là cha, là bác, là anh
 Quả tim lớn lọc trăm dòng máu đỏ”
                            (Sáng tháng năm )
 Lời thơ của Tố Hữu nói hộ lòng mỗi chúng ta niềm kính yêu ngưỡng mộ người. Ôi cuộc đời Người là cả nước non. Chủ tịch Hồ Chí Minh với cuộc đời  hoạt động cách mạng  hết lòng vì nước, vì dân, đã để lại cho chúng ta một di sản hết sức quý báu. Đó là tư tưởng của Người. Trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh, tư tưởng đạo đức cách mạng giữ một vị trí quan trọng. Đó là nền đạo đức cách mạng mang tính nhân văn sâu sắc. Và nhất là tìm hiểu phong cách nêu gương, chúng ta càng ngưỡng mộ phong cách sống đẹp của Người.
                 Vậy  phong cách nêu gương của Hồ Chí Minh là gì ? Phong  cách nêu gương là cách sống luôn làm gương cho người khác và luôn trân trọng tấm gương của mọi người.Phong cách nêu gương của Hồ Chí Minh  Đó là:
           Thứ nhất cần nêu gương trên ba mối quan hệ: với mình, với người, với việc. Đối với mình phải không tự cao tự đại, tự mãn, kiêu ngạo mà luôn học tập cầu tiến bộ, luôn tự kiểm điểm để phát triển điều hay, sửa đổi điều dở của bản thân, phải tự phê bình mình như rửa mặt hằng ngày; đối với người, luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết, thật thà, không dối trá, lừa lọc, khoan dung, độ lượng; đối với việc, dù trong hoàn cảnh nào phải giữ nguyên tắc “dĩ công vi thượng”, đã phụ trách việc gì thì phải tận tâm, tận lực làm cho kỳ được, không sợ khó khăn, gian khổ, việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh.
   Thứ hai, muốn nêu gương được thì nói phải đi đôi với làm. Thực tế cho thấy, nếu một cán bộ, đảng viên “nói một đằng, làm một nẻo” thì trước con mắt của nhân dân, họ không còn là người chiến sĩ tiên phong nữa, họ tuyên truyền sẽ chẳng ai nghe. Và thực chất, họ đã tự tước đi vai trò của người lãnh đạo. Tự mình phải gương mẫu thực hiện nêu gương trước mới giúp người khác làm theo, bản thân mình không gương mẫu thì không thể nói ai được.    
               Thứ ba: Để giáo dục bằng nêu gương đạt kết quả cao, Người chủ trương: “Lấy gương người tốt, việc tốt” hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”. Trong cuộc sống hằng ngày, người cán bộ, đảng viên chẳng những phải có trách nhiệm tự tu dưỡng tốt để trở thành con người có đời tư trong sáng, mà còn phải làm tấm gương giúp nhân dân nhìn vào đó làm những điều đúng, những điều thiện, chống lại thói hư, tật xấu.
       Phong cách  nêu gương được hình thành ở người  là do  đâu?          Ngừơi   Hồ Chí Minh thấm một triết lý sâu xa rằng, cơm chúng ta ăn, áo chúng ra mặc đều do mồ hôi, nước mắt của nhân dân mà ra, nên chúng ta phải đền bù xứng đáng cho dân. Tư tưởng đạo đức ấy đã tạo nên một phong cách nêu gương, tự giác gương mẫu của Hồ Chí Minh, người lãnh tụ kính yêu của cách mạng Việt Nam, người suốt đời phấn đấu, hi sinh vì đất nước, vì dân tộc
        Nếu như việc nêu gương về đạo đức trong các xã hội trước đây (nhất là ở xã hội phong kiến), người ta thường chỉ đặt trọng tâm nêu gương vào những người quản lý xã hội, những bậc vĩ nhân, quân tử…, thì đến Hồ Chí Minh, Người quan niệm rằng: giáo dục đạo đức là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, của tất cả mọi người. Trong xã hội ta, ai cũng là chủ thể, đồng thời là đối tượng của giáo dục đạo đức. Do đó, ai cũng có thể và cần phải luôn nêu gương sáng về đạo đức
         Vậy Bác Hồ của chúng ta đã thể hiện phong cách  nêu gương đó như thế nào?
                  Ngừoi từng dạy: “Nói miệng, ai cũng nói được. Ta cần phải thực hành. Kháng chiến, kiến quốc, ta phải cần kiệm. Nhưng tự mình phải cần và kiệm trước đã. Trước hết, nói đi đôi với làm, mình phải làm gương, gắng làm gương trong anh em, và khi đi công tác, gắng làm gương cho dân. Làm gương cả về ba mặt: tinh thần, vật chất và văn hóa. Không có gì là khó. Khó như cách mạng mà ta đã làm được và đã thành công. Muốn làm được, ta phải: quyết tâm, trí tâm và đồng tâm. Ta nhớ ba chữ ấy, thực hành làm gương nêu ba chữ ấy lên, tất là các đồng chí phải thành công”.
             Người nhắc nhở đảng viên: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. Tự mình phải chính trước, mới giúp người khác chính. Mình không chính, mà muốn người khác chính là vô lý.
           Khi nước nhà vừa giành được độc lập năm 1945, đứng trước nạn đói đang hoành hành, Người kêu gọi toàn dân diệt “giặc đói” bằng hành động cụ thể, mười ngày nhịn ăn một bữa để lấy số gạo tiết kiệm đó cứu những người bị đói và chính Người đã làm gương, nghiêm túc thực hiện một cách triệt để mặc dù phải làm việc nhiều, sức khỏe giảm sút vì vừa trải qua một trận ốm nặng… Bộ đội, cán bộ ăn cơm độn ngô, khoai sắn, Bác cũng yêu cầu nấu cơm độn 50% đúng như mọi người.
            Các đồng chí đều đã biết ,Người còn là tấm gương về lối sống giản dị. Là Chủ tịch nước nhưng Bác cũng chỉ có vài bộ quần áo đơn sơ, giản dị, anh em phục vụ muốn đề nghị may mới cho Bác, nhưng Bác không cho và nói: “Bác có hai bộ là đủ dùng rồi. Hiện nay đồng bào ta còn thiếu quần áo mặc. Bác có như vậy là đủ và tốt lắm rồi!”
            Bữa ăn của Bác như bữa ăn của mọi nhà: Bát canh, quả cà, con cá hoặc lát thịt kho.... Có đôi tất rách đã vá lại mấy lần Bác cũng không dùng tất mới, áo Bác rách có nhiều khi phải vá vai, rồi lộn cổ… vá đi vá lại, Bác mới cho thay... Bác nói: “Cái gì còn dùng được nên dùng, bỏ đi không nên”. Có lần một đồng chí cán bộ gần Bác đã mạnh dạn thưa thật với Bác rằng: Bác là Chủ tịch nước, Bác mặc áo sờn vá như thế thì không phù hợp lắm. Bác nói: Này chú! Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước mặc áo vá thế này là cái phúc của dân đấy! Đừng bỏ cái phúc ấy đi.”           
    Phong cách sinh hoạt Hồ Chí Minh có nhiều nét đã trở thành huyền thoại không những đối với nhân dân Việt Nam mà còn đối với cả thế giới. Đó là sự giản dị, thanh đạm, thanh cao trong sinh hoạt hằng ngày; là cách sống chừng mực, điều độ, ngăn nắp, yêu lao động, rất quý trọng thời gian, chẳng có ham muốn danh lợi riêng cho mình; đó là tình thương yêu con người hòa quyện với tình yêu thiên nhiên tạo nên tinh thần lạc quan của người chiến sĩ cách mạng.
              Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng việc xây dựng làng, xã, huyện, tỉnh kiểu mẫu; những “người tốt, việc tốt”. Từ những nhân tố mới làm gương mẫu nhân rộng ra, dấy lên phong trào thi đua học tập và làm theo, tạo nên khí thế cách mạng hào hùng trong sản xuất, công tác... rộng khắp trong cả nước. Ngay từ những ngày đầu hoạt động cách mạng, Người  rất quan tâm rèn luyện cho cán bộ, đảng viên không những về mặt phẩm chất, đạo đức mà còn rèn luyện về phong cách làm việc. Trong tác phẩm “Đường Kách mệnh” (năm 1927) và “Sửa đổi lối làm việc” (tháng 10-1947), Bác đã yêu cầu cán bộ, đảng viên phải là người có phẩm chất đạo đức cách mạng, vừa phải có năng lực mới đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ; trong đó phong cách làm việc nêu gương là một nhân tố quan trọng cấu thành nên phẩm chất và năng lực của cán bộ, đảng viên.        
Các đồng chí ạ! Học tập phong cách nêu gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chi bộ trường THCS Nguyễn Hiền trong thời gian qua đã thực hiện làm theo đạt được nhiều  kết quả tốt, đó là:
 Mỗi cán bộ đảng viên trong chi bộ không ai tự mãn, luôn học tập để nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ; tinh thần phê bình và tự phê bình luôn được phát huy trong đội ngũ, nhất là trong mỗi cán bộ đảng viên; xây dựng tốt khối đoàn kết nội bộ trong Đảng và trong cơ quan; đội ngũ có tinh thần trách nhiệm cao.
 Mỗi cán bộ đảng viên thực hiện tốt việc nói đi đôi với làm, thẳng thắn, trung thực góp ý để đồng nghiệp ngày càng hoàn thiện, thầy cô giáo thường xuyên uốn nắn, giáo dục học sinh về hành vi, đạo đức, kĩ năng sống.
 Và đặc biệt là lấy gương người tốt, việc tốt để nêu gương được thực hiện có hiệu quả, nhất là trong học sinh, tổ chức tuyên dương những tấm gương đạo đức điển hình, phê bình những hành vi chưa tốt của một số học sinh để làm gương cho nhiều học sinh khác, điều đó đã đem lại hiệu quả giáo dục đạo đức khá tốt trong thời gian qua. Thực hiện tốt cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”, thầy cô  giáo luôn là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Thực hiện tốt phương châm “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”.
Năm học 2012-2013, thầy và trò nhà trường đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học, về giáo dục các lớp đại trà, chất lượng tăng lên vượt bậc so với cùng kì các năm học qua, Nguyễn Hiền xếp vị thứ ba trên 9 trường THCS trong toàn huyện; là năm đầu tiên thực hiện nhiệm vụ giáo dục 4 lớp chất lượng cao, tuy bước đầu còn gặp nhiều khó khăn nhưng kết quả đạt được khá tốt, 97.1% tỉ lệ học sinh được xếp loại giỏi, đạt 20 giải học sinh giỏi cấp tỉnh và 184 giải học sinh giỏi cấp huyện; tiêu biểu trong việc học tập phong cách nêu gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh có các em học sinh như Đinh Minh Tân, Võ Thị My Ny-học sinh lớp 9/1,.. còn nhiều tấm gương điển hình của thầy cô giáo và các em học sinh khác nữa.
               Phong cách nêu gương trong tư tưởng và tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện xuyên suốt trong cả cuộc đời hoạt động cách mạng, phấn đấu hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân của Người. Người không chỉ tiếp thu, kế thừa, bổ sung, phát triển và hoàn thiện lý luận về phương pháp, mà Người đã thực hành phong cách nêu gương một cách nhuần nhuyễn, hết sức mẫu mực và tự nhiên. Người kiên trì nêu gương về đạo đức còn nhiều hơn những điều Người nói và viết ra. Chính bản thân Người là một tấm gương về phong cách nêu gương về đạo đức, một hình ảnh mẫu mực về “người lãnh đạo và người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
.           “Sống, chiến đấu, lao động  và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Câu nói ấy đã trở thành tâm niệm của mỗi chúng ta, mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên trường THCS Nguyễn Hiền. Và phong cách nêu gương của Người sẽ luôn đi vào mỗi thái độ hành động cụ thể nhất để mái Trường mang tên trạng nguyên Nguyễn Hiền  thực hiện tốt sứ mệnh cao cả, đưa sự nghiệp giáo dục của thị trấn Phú Thịnh lên tầm cao mới.
                Nào chúng ta hãy:
Học Người phong cách nêu gương
Bằng cả tâm nguyện tình thương cuộc đời
Trăm năm lợi ích trồng ngừơi
Tấm gương Bác mãi sáng ngời lòng ta./.
                 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét