Thứ Sáu, 14 tháng 9, 2012

66/ CHUYÊN ĐỀ CHUYÊN MÔN: DẠY HỌC THEO CHUẨN KIẾN THỨC KĨ NĂNG,VÀ PHÂN HÓA THEO NĂNG LỰC CỦA HỌC SINH



Nguồn :Tổ Ngữ văn -  Trường THCS Nguyễn Hiền-Phòng GD&ĐT huyện Phú Ninh                            



       Thực hiện chỉ đạo của phòng giáo dục & đào tạo huyện Phú Ninh về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2012-2013 cấp THCS.
        Chấp hành công văn số 457/KH-GDĐT của Phòng giáo dục về việc tổ chức chuyên đề năm học 2012-2013 cấp THCS.
         Được sự phân công của lãnh đạo phòng, của BGH trường THCS Nguyễn Hiền, tổ Ngữ văn đã triển khai kế hoạch và thực hiện chuyên đề  cho các năm học trước và đầu năm học này như sau:
I/ Đặc điểm tình hình.
   Tổ Ngữ văn trường THCS Nguyễn Hiền Gồm 9 Đ/C trong đó nam: 2 đ/c, nữ: 7 đ/c, 1 đảng viên, trên chuẩn 4 đ/c,  đạt chuẩn 5 đ/c .
1.     Thuận lợi: Có sự quan tâm, chỉ đạo của phòng giáo dục, sự quan tâm và trực tiếp chỉ đạo của BGH nhà trường, được bồi dưỡng chuyên môn trong hè về dạy học theo chuẩn kiến thức kĩ năng và dạy học tích cực từ năm học 2010-2011, có tài liệu hướng dẫn cụ thể; Được trực tiếp dự giờ, sinh hoạt chuyên đề của 2 trường Nguyễn văn Trỗi, Lương Thế Vinh năm học 2011-2012; Đặc biệt năm học 2012-2013 bộ giáo dục điều chỉnh giảm tải giúp người dạy và học có thêm thời gian cho các hoạt động.
2.     Khó khăn: Còn khập khiểng giữa lí thuyết với thực trạng của học sinh, thực tế giảng dạy;  giáo viên vẫn còn lúng túng, vướng mắt ở một số hoạt động; Cơ sở vật chất chưa đáp ứng được các hoạt động dạy học theo yêu cầu ( nhất là dạy học tích cực)


II/ Tình hình thực hiện của trường trong 2 năm học:
1.     Dạy học theo chuẩn kiến thức- kĩ năng:
      Thực hiện đúng công văn hướng dẫn, chỉ đạo của phòng giáo dục và BGH nhà trường, ngay từ đầu năm học tổ đã xây dựng kế hoạch trong đó tập trung xây dựng các chuyên đề sinh hoạt chuyên môn hằng tháng cụ thể:
 Năm học 2011-2012 gồm 4 chuyên đề:
+ Khối 6: 1 chuyên đề: Cách dạy tốt tác phẩm tự sự ( VHDG) theo chuẩn kiến thức, kĩ năng và dạy học tích cực: tháng 10.
+ Khối 7: 1 chuyên đề: Cách dạy tốt tác phẩm văn học trung đại theo chuẩn kiến thức, kĩ năng và dạy học tích cực: Tháng 11
+ Khối 8: 1 chuyên đề:  Cách dạy tốt văn bản nghị luận cổ theo chuẩn kiến thức, kĩ năng và dạy học tích cực: Tháng 3
+ Khối 9: 1 chuyên đề: Cách dạy tốt tiết ôn tập truyện hiện đại theo chuẩn kiến thức, kĩ năng và dạy học tích cực: Tháng 4
 Năm học 2012-2013 gồm 4 chuyên đề:
+ Khối 6: 1 chuyên đề: Cách dạy tốt truyện cổ tích theo chuẩn kiến thức, kĩ năng, dạy học tích cực& Phân hóa theo đối tượng học sinh Tháng10
+ Khối 7: 1 chuyên đề: Cách dạy tốt bài Tiếng Việt theo chuẩn kiến thức, kĩ năng, dạy học tích cực& phân hóa theo đối tượng học sinh Tháng 11
+ Khối 8: 1 chuyên đề:  Cách dạy tốt văn bản nghị luận cổ bài ( Chiếu dời đô) theo chuẩn kiến thức, kĩ năng, dạy học tích cực& phân hóa theo đối tượng học sinh, tháng 2.
+ Khối 9: 1 chuyên đề: Cách dạy tốt tiết tổng kết ngữ pháp theo chuẩn kiến thức, kĩ năng, dạy học tích cực& phân hóa  theo đối tượng học sinh. Tháng 4.
   Trong bài soạn của giáo viên đã tập trung chú ý theo chuẩn kiến thức kĩ năng thể hiện ở mục tiêu bài dạy, một số hoạt động tìm hiểu bài học theo từng phân môn, phần tổng kết, củng cố, luyện tập thực hành.
   2. Dạy học tích cực
     Giáo viên cũng đã thường xuyên vận dụng phương pháp dạy học tích cực qua hoạt động giới thiệu bài, sử dụng tranh minh họa, sơ đồ, bảng biểu, phương pháp thảo luận nhóm, hình thức trò chơi, ứng dung CNTT trong một số tiết dạy…Dạy học theo năng lực học sinh được thể hiện rõ qua hệ thống câu hỏi trong khâu kiểm tra bài cũ, hoạt động tìm hiểu bài, luyện tập, củng cố, qua kiểm tra 15 ph, 1 tiết…
    3. Kiểm tra đánh giá
    Trong kiểm tra, đánh giá tổ đã triển khai cho mỗi tổ viên thực hiện theo qui trình: Đảm bảo nội dung, độ phủ chương trình, bám vào chuẩn kiến thức-kĩ năng, có phân hóa theo đối tượng học sinh. Xây dựng câu hỏi kiểm tra theo ma trận đã được thống nhất toàn tổ, có chú ý câu hỏi mở, phát huy sáng tạo của học sinh. Tổ chức quản lý, kiểm tra: Tổ họp và xây dựng ma trận, Giáo viên ra đề nộp lại cho tổ và thống nhất đề chung, mỗi lớp luôn kiểm tra 2 đề chẵn, lẻ; đề 1 tiết PHT trực tiếp quản lí, đề 15 ph do tổ tự quản lí.
III/ Bài học kinh nghiệm:
1.     Trong việc xây dựng chuyên đề: Tổ đi từ cái chung đến cái cụ thể, dạy theo từng đặc trưng kiểu bài, thực hiện chuyên đề có tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm để vận dụng có hiệu quả hơn.
2.     Trong kiểm tra, đánh giá có sự tập trung của toàn tổ, ra đề theo đúng nội dung, yêu cầu và sát thực tế, có phân hóa đối tượng.


CHUYÊN ĐỀ
                                     DẠY HỌC THEO CHUẨN KIẾN THƯC, KĨ NĂNG
                    VÀ PHÂN HÓA THEO NĂNG LỰC CỦA HỌC SINH MÔN NGỮ VĂN

I/ Đặt vấn đề:
  
      Năm học 2010-2011 Bộ GD&ĐT ban hành chủ trương GD phổ thông theo chuẩn kiến thức- kĩ năng trên phạm vi cả nước. Từ đó với chủ trương của bộ giáo dục đào tạo về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, yêu cầu về nội dung là tránh quá tải về phương pháp là dạy học chú trọng đề cao vai trò  tự giác tích cực độc lập nhận thức của người học dưới vai trò định hướng của người dạy.
   Tiếp tục thực hiện dạy học theo chuẩn kiến thức, kĩ năng, dạy học tích cực và dạy học kiểm tra đánh giá theo chuẩn kiến thức, kĩ năng. Năm học 2012-2013 phòng giáo dục & đào tạo huyện Phú Ninh chỉ đạo sinh hoạt chuyên đề “ Dạy học theo chuẩn kiến thức, kĩ năng và phân hóa theo năng lực học sinh” với mục đích kế thừa các chuyên đề năm học 2010-2011 để thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông cho từng môn học và áp dụng cho phù hợp với tình hình cơ sở vật chất, đội ngũ, học sinh, địa phương.
     “ Dạy học theo chuẩn kiến thức, kĩ năng và phân hóa theo năng lực học sinh” trong năm học này cần được thực thi ở các bộ môn trong đó có môn ngữ văn.

II/ Giải quyết vấn đề:
A.   Dạy học theo chuẩn kiến thức, kĩ năng:
      Sách giáo khoa được biên soạn dựa vào chương trình giáo dục phổ thông của Bộ GD-ĐT. Chương trình cũng đã đề cập đến chuẩn tối thiểu phải đạt được trong quá trình dạy học, nhưng chỉ nêu khái quát, mang tính tương đối.Do đó, còn nhiều giáo viên không bám sát chuẩn tối thiểu dẫn đến dạy học vượt chuẩn tối thiểu cho học sinh có nhận thức trung bình, dưới trung bình. Điều nà gây tâm lí học sinh bị nhồi nhét kiến thức, bị quá tải. Từ đó, Bộ GD&ĐT ban hành bộ tài liệu hướng dẫn- đó là yêu cầu tối thiểu học sinh cần phải đạt được. Vói tài liệu hướng dẫn này thì  điều đầu tiên giáo viên phải nắm kĩ trọng tâm kiến thức, kĩ năng của mỗi cụm bài học, từ đó thiết kế bài dạy sát với chuẩn đó trong từng hoạt động, sau đó rút ra học sinh cần chuẩn bị những gì, giáo viên cần chuẩn bị như thế nào cho bài học.
            a.Đối với dạy văn bản:  
           Trước hết người dạy phải xác định bài dạy thuộc kiểu cụm bài nào? Bởi phần văn bản trong chương trình THCS gồm hầu hết các thể loại như: Tự sự, trữ tình (hiện đại, trung đại); Văn bản nghị luận ( nghị luận hiện đại, nghị luận cổ); Văn học sử, văn học nước ngoài…Theo tài liệu hướng dẫn chuẩn kiến thức, kĩ năng mỗi cụm kiểu bài có những yêu cầu riêng.
      Chẳng hạn:-  Đối với văn bản tự sự: Yêu cầu học sinh cần nắm được các sự việc chính, nhân vật, ở văn bản tự sự hiện đại biết sự kết hợp các yêu tố miêu tả, biểu cảm, nghị luận… Từ đó hướng đến kĩ năng học sinh phải tóm tắt được văn bản, phải kể lại được, biết xác định độ dài cần tóm tắt, biết được tác dụng của yếu tố miêu tả, biểu cảm, nghị luận trong văn tự sự và viết đoạn văn có sử dụng các yếu tố đó…
                          Đối với văn bản trữ tình: học sinh phải cảm nhận được giá trị nội dung, tư tưởng mà tác giả muốn hướng tới cuộc sống; về nghệ thuật biểu cảm trong lời thơ, hình ảnh thơ, học thuộc các bài thơ, đoạn thơ, đoạn văn hay. Kĩ năng phải phát hiện được yếu tố, ngôn ngữ, hình ảnh nghệ thuật, mạch cảm xúc trữ tình mà tác giả muốn thể hiện.
                 Đối với các văn bản trung đại ở lớp 7,9 học sinh phải nắm được sự kiện lịch sử, số phận, tâm tư con người, nghệ thuật xây dựng nhân vật, tái hiện sự kiện lịch sử, sử dụng điển cố, điển tích, hiểu và nắm được thể loại truyện, thơ cổ như thơ tứ tuyệt, thơ Đường luật, ở lớp 7, truyện truyền kỳ, tiểu thuyết lịch sử, lối văn chương hồi… nghệ thuật ước lệ, tả cảnh ngụ tình… Hiểu được tinh thần nhân văn, thái độ phê phán, tố cáo…
                   Đối với văn bản nghị luận ( Lớp 7,8) học sinh phải nắm được cách lập luận, cách sử dụng lĩ lẽ, dẫn chứng , bước dầu có kĩ năng làm văn nghị luận ở lớp 7, biết sử dụng dẫn chứng, lí lẽ, biết lập luận để vận dụng vào viết văn nghị luận.Biết đặc điểm của văn nghị luận cổ các thể loại nghị luận cổ như: Chiếu, biểu, hịch, cáo...
                   Đối với văn bản văn học nước ngoài: Học sinh phải nắm và hiểu được tình cảm nhân văn, nghệ thuật xây dựng tình huống mới, sáng tạo, nghệ thuật miêu tả, kể chuyện của văn học nước ngoài. Nhớ một số chi tiết, hình ảnh nghệ thuật độc đáo, để học tập, vận dụng vào bài viết, đọc- hiểu được những văn bản dịch.
                   Đối với văn bản nhật dụng: Hiểu biết được những vấn đề cấp thiết mang tính xã hội đang diễn ra, có thái độ đúng đắn với các vấn đề trên. Nắm được sự đan xen các phương thức biểu đạt trong một văn bản nhật dụng.
                b.Ở phân môn Tiếng Việt:  
         Học sinh phải nắm vững khái niệm, giá trị của từ, câu tiếng Việt. Biết vận dụng trong văn nói, văn viết để giao tiếp, tạo lập văn bản có hiệu quả. Trong luyện tập bám vào chuẩn kiến thức, kĩ năng để lựa chọn bài tập phù hợp với yêu cầu mức độ, thời gian
                c. Phân môn tập làm văn:
          Học sinh nắm vững, chuẩn  các phương thức biểu đạt; hiểu đặc điểm của từng kiểu văn bản cụ thể; cách thức làm bài theo đúng bố cục, đặc điểm mỗi kiểu bài; Tạo lập một văn bản có tính liên kết; xây dựng một đoạn văn đúng cấu trúc, biết sử dụng các phép phân tích, tổng hợp, diễn đạt…
      * So với cách dạy truyền thống, dạy học theo chuẩn kiến thức, kĩ năng hướng người dạy, người học vào từng đơn vị kiến thức, kĩ năng cụ thể, bỏ qua những gì trùng lặp, hoặc không cần thiết, chỉ cần đạt chuẩn tối thiểu.Nhưng vấn đề ở đây là phải đảm bảo chuẩn như thế nào? Chẳng hạn: Dạy cụm bài văn bản tự sự để học sinh nằm được kiến thức là kể lại văn bản bằng lời văn của mình thì phải hướng cho các em đi từ xác định sự việc chính, nhân vật chính (trên cơ sở dựa vào tình tiết, diễn biến trong câu chuyện) sắp xếp các sự việc chính, diễn đạt các sự việc đó bằng lời văn của mình sẽ có đoạn văn kể tóm tắt chứ không nói qua loa hoặc chung chung là em hãy tóm tắt câu chuyện trên…, hoặc về nhà tự tóm tắt. Hay ở phần rèn kĩ năng trong Tiếng Việt để đảm bảo chuẩn kĩ năng nhận biết hiện tượng chơi chữ bằng từ đồng âm nhất thiết giáo viên phải hướng dần học sinh làm bài tập số 4(SGK) Về câu chuyện vạc đồng, vạc nhà chứ không chú ý bài tập này sẽ dễ bỏ qua vì hết thời gian như vậy bài học sẽ không đảm bảo chuẩn kĩ năng.Dạy bài luyện tập viết đoạn văn tự sự có sử dụng yếu tố nghị luận giáo viên phải củng cố kiến thức văn tự sự: sự việc được kể, người kể, ngôi kể, trình tự kể…sứ dụng yếu tố nghị luận với mục đích gì, sử dụng làm sao để không lấn át tự sự. Do đó, phải chú trọng cho học sinh luyện tập bài tập 1 sgk (161)muốn làm được như yêu cầu, giáo viên phải gợi ý cho học sinh: Yêu cầu chính của đề bài( nội dung); yêu cầu về hình thức( đoạn văn tự sự có sử dụng yếu tố nghị luận: cách lập luận để chứng minh Nam là người bạn rất tốt cần sử dụng lí lẽ gì, dẫn chứng như thế nào vừa ngắn gọn, vừa thuyết phục…)
 
 B. Dạy học phân hóa theo năng lực:
       a. Yêu cầu chung: Cần phải chú ý đến vùng miền, hoàn cảnh sống, điều kiện sống của nhân dân ở từng địa phương vì đó là mặt bằng trình độ chung. Từ đó có cách vận dụng phù hợp với trình độ nhận thức, dựa vào điều kiện về cơ sở vật chất, phương tiện dạy học của trường, của bản thân học sinh và giáo viên chuẩn bị được để xây dựng các phương pháp dạy học như thiết kế hệ thống câu hỏi, sử dụng phương tiện dạy học
        b. Các biện pháp dạy học phân hóa theo năng lực học sinh.
           b.1 Phần chuẩn bị của giáo viên và học sinh: Chuẩn bị những thiết bị dạy học trong phạm vi, điều kiện của nhà trường, đời sống của địa phương như vừa rẻ, tiện lợi, sử dụng lâu dài ví dụ bảng phụ ( Ghi phấn); tài liệu tham khảo những loại sách tham khảo vừa kiến thức, vừa túi tiền, tranh minh họa in màu trên nền giấy bọc nhựa, tranh tự vẽ…
               b.2 Phần tìm hiểu bài học: Chủ yếu thể hiện qua các hoạt động bằng hệ thống câu hỏi: câu hỏi kiểm tra bài cũ, tìm hiểu văn bản, củng cố, tổng kết, trao đổi nhóm…
     Trong phương pháp dạy học tích cực có một số kiểu chia nhóm và với cách chia nhóm theo trình độ, năng lực học tập của học sinh mình sẽ chia theo dạng nhóm học sinh yếu, học sinh trung bình, học sinh khá, học sinh giỏi và giáo viên sẽ định dạng câu hỏi phù hợp. Ví dụ dạy văn bản đấu tranh cho một thế giới hòa bình nội dung cần hướng đến là: Chiến tranh hạt nhân là hành động cực kì phi lí sẽ có 3 nhóm câu hỏi sau:
      + Dạng 1 ( dành cho hs yếu): Trái đất là gì trong vũ trụ? Em cảm nhận như thế nào khi nó bị phá hủy? Trả lời: ( Trái đất là làng nhỏ trong vũ trụ, cảm nhận theo ý học sinh).
       + Dạng 2( HS: TB, Khá):Em hiểu như thế nào khi tác giả cho rằng trái đất là thứ thiêng liêng, cao quý hơn cả? ( có sự sống con người) Và con người phải làm gì để bảo vệ trái đất?
       + Dạng 3 ( HSG) Theo em trái đất chỉ là một cái làng nhỏ trong vũ trụ, nhưng lại là nơi có phép màu độc nhất của sự sống trong hệ mặt trời. Em hiểu như thế nào về ý nghĩ ấy? ( Trái đất là thứ thiêng liêng cao quý hơn cả đáng được yêu quý, trân trọng, không xâm phạm, hủy hoại trái đất).
     * Sau khi đại diện các nhóm trả lời, giáo viên tổng hợp khái quát: Cả 3 ý kiến của các em đều đi đến khẳng định chiến tranh hạt nhân là hành động cực kì phi lí
Ở văn bản: Chiếc lược ngà:
    + Hoạt động tìm hiểu chung: Hướng đến xác định nhân vật chính, phụ, có các dạng câu hỏi cho mỗi đối tượng:
- Dạng 1( dành cho hs yếu): Em hãy chỉ ra nhân vật chính?
- Dạng 2( HS: TB, Khá):Vì sao em xác định được nhân vật chính?
- Dạng 3 ( HSG): Xác định 2 tình huống của truyện? Hai tình huống ấy xoay quanh nhân vật nào?, Từ đó, xác định nhân vật chính, nhân vật phụ?
   + Câu hỏi thảo luận nhóm: Với nội dung hướng đến tính cách của Bé Thu
-         Dạng 1 ( dành cho hs yếu): Những phản ứng của Bé Thu đối với anh Sáu(nói trổng, hắt trứng cá…) đó có phải là dấu hiệu của đứa trẻ hư không?
-         Dạng 2( HS: TB, Khá): Hãy lí giải vì sao? Hành động của Bé Thu như nói trên không phải là dấu hiệu của đứa trẻ hư?
-         Dạng 3 ( HSG): Cảm nhận của em về hành động, phản ứng của Bé Thu?
* Sau 3 nhóm đại diện trả lời Giáo viên chốt: Phản ứng của Bé thu không phải là đứa trẻ hư, em còn quá nhỏ không hiểu tình cảnh khắc nghiệt của chiến tranh, chưa hiểu nguyên do dẫn đến vết sẹo cho nên phản ứng của em thể hiện cá tính mạnh mẽ, có tình cảm sâu sắc…
  + Đối với câu hỏi kiểm tra bài cũ:
-         Dạng 1 ( dành cho hs yếu): Thường kiểm tra về khái niệm, ví dụ, ghi nhớ ví dụ Văn 7 Tục ngữ là gì? Đọc thuộc những câu tục ngữ đã học? Tiếng Việt: Câu rút gọn là gì? Cho ví dụ một câu rút gọn đã học?
-         Dạng 2( HS: TB, Khá): Đọc thuộc những câu tục ngữ về thiên nhiên, lao động sản xuất? nêu nội dung, nghệ thuật? Tiếng Việt: Đặt câu rút gọn chủ ngữ, câu rút gọn vị ngữ?
-         Dạng 3 ( HSG): Đọc 2 câu tục ngữ nói về kinh nghiệm thời tiết, Các câu tục ngữ đó khuyên ta điều gì? Tiếng Việt: Viết đoạn văn 3-> 5 câu có câu rút gọn ( gạch chân).
         + Ở câu hỏi tổng kết, củng cố:
-         Dạng 1 ( dành cho hs yếu): Thường cho học sinh nhắc lại khái niệm, ví dụ hoặc dạng câu hỏi trắc nghiệm và giáo viên chỉ định học sinh trả lời cá nhân ví dụ: củng cố kiến thức ở văn bản chiếc lược ngà: Hỏi Truyện đã thành công ở những biện pháp nghệ thuật nào? A. Cốt truyện. B. Xây dựng nhân vật. C. Lời kể, giọng kể. D. Tình huống truyện.(  cả 4 đáp án).
-         Dạng 2( HS: TB, Khá): ? Nội dung truyện Chiếc lược ngà toát lên ý  nghĩa gì? ( Ca ngợi tình cha con…, lên án kẻ thù xâm lược).
-         Dạng 3 ( HSG): Được sống trong hòa bình, em mong ước điều gì cho những người như cha con ông Sáu? Hãy bình về hình ảnh chiếc lược ngà? ( ước mong: Cha con không bị xa cách, không phải sống trong nhớ nhung, mong đợi…; chiếc lược là kỉ niệm, chiếc lược tình cha, chiếc lược của hy vọng và niềm tin, chiếc lược quà tặng người đã khuất…).
          + Câu hỏi kiểm tra: Ra theo các mức độ: Nhận biết, thông hiểu , vận dụng thấp, vận dụng cao với tỉ lệ phù hợp ở mỗi lớp học, mỗi trường…

III/Kết thúc vấn đề:
      Trong điều kiện và khả năng có hạn, với phạm vi khuôn khổ cho phép: chuyên đề và tiết dạy chắc sẽ còn nhiều thiếu sót. Rất mong sự đóng góp chân thành của đồng nghiệp.
       Vấn đề dạy học văn theo chuẩn kiến thức, kĩ năng và phân hóa theo năng lực học sinh nhằm kế thừa và phát huy các chuyên đề dạy học đổi mới ở các năm học trước đồng thời để thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông từng môn học. Song bản chất môn văn vốn trừu tượng do dó cách vận dụng của mỗi đồng nghiệp trong thực tế giảng dạy cũng sẽ gặp những vướng mắt, nhưng tôi tin rằng với sự cố gắng, tận tâm và đặc biệt là cần linh hoạt trong từng điều kiện, hoàn cảnh chúng ta sẽ thực hiện tốt để đáp ứng mục tiêu giáo dục hiện nay.

C.Bài học kinh nghiệm và đề xuất:
  
   1. Bài học kinh nghiệm:
         a.Về dạy học theo chuẩn kiến thức, kĩ năng: Giáo viên cần bám sát trọng tâm kiến thức, kĩ năng ở tài liệu hướng dẫn, thiết kế các hoạt động phù hợp hướng đến yêu cầu về chuẩn kiến thức, kĩ năng, xây dựng câu hỏi vừa đúng, vừa đủ, gọn trong thời gian đảm bảo của một tiết dạy.
         b. Dạy học theo phân hóa năng lực học sinh: Cần bám vào thực tế cụ thể: Vùng miền, trình độ, điều kiện học tập… Thiết kế câu hỏi theo đối tượng; vận dụng phù hợp cho từng kiểu bài, dạng bài, từng hoạt động ( Kiểm tra bài cũ, tìm hiểu chung, tìm hiểu nội dung bài học, tổng kết, luyện tập, thảo luận…) làm thế nào mà trong một tiết day huy động được nhiều đối tượng học sinh tham gia vào bài học, điều này vừa làm cho tiết học sinh động vừa đảm bảo yêu cầu dạy học vận dụng phương pháp mới có hiêu quả.
    2. Đề xuất:
      Đề xuất phòng hỗ trợ kinh phí thêm cho sinh hoạt để đồng nghiệp có điều kiện giao lưu chuyên môn thật tốt đồng thời tạo niềm phấn khích, sau những  lần sinh hoạt chuyên đề hơn nữa.
                                                                
    Tổ Ngữ văn










Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét