Chủ Nhật, 9 tháng 11, 2014

266/HUYỀN THOẠI TRƯỜNG SƠN VÀ NHỮNG CÔ GÁI MỞ ĐƯỜNG


 Nguyễn Thị Thu Thủy

" Trường Sơn đông nắng, tây mưa- Ai chưa đến đó như chưa rõ mình ”


Trường Sơn- một thời hoa lửa, từ lâu đã trở thành một đề tài không vơi cạn trong thơ ca chống Mĩ cứu nước. Nhắc đến tuyến đường Trường Sơn huyền thoại nối liền Bắc-Nam, ta không thể bỏ qua sự góp mặt của một " binh chủng ” đặc biệt: thanh niên xung phong. Trong những năm khói bom rực trời ấy, lực lượng thanh niên xung phong có vai trò hết sức quan trọng tham gia mở đường, phá bom, san lấp hố bom, bảo đảm con đường huyết mạch ấy luôn được thông suốt cho những đoàn quân, đoàn xe ra trận. Nhớ về Trường Sơn, không thể nào quên hình ảnh các cô thanh niên xung phong và hình tượng các cô đã đi vào không ít các trang thơ, trang văn. Thơ ca những năm chống Mĩ đã dành một phần lớn sự ưu ái cho hình tượng người nữ thanh niên xung phong. Đặc biệt, hình ảnh các cô xuất hiện như những ngôi sao lấp lánh không rực rỡ mà sáng trong, tưởng như xa mà lại gần trong các bải thơ: Lá đỏ ( Nguyễn Đình Thi ), Khoảng trời-hố bom ( Lâm Thị Mĩ Dạ ), Gửi em, cô thanh niên xung phong ( Phạm Tiến Duật ).
Lực lượng thanh niên xung phong vốn đã xuất hiện trong thơ ca thời kháng chiến chống Pháp và thường được gọi là dân quân, dân công. Trong bài thơ Việt Bắc, Tố Hữu đã từng viết về họ với khí phách oai hùng, đạp bằng gian khổ góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ:  " Dân công đỏ đuốc từng đoàn- Bước chân nát đá muôn tàn lửa bay ”. Thơ ca chống Mĩ cứu nước ghi lại tập trung hơn với nhiều hình ảnh đẹp, chân thực, cao cả về những cô gái thanh niên xung phong- nhân vật của thời đại, nhân vật của văn chương.
Trước hết, các nữ thanh niên xung phong bước vào trang thơ là những cô gái vô danh, được gọi tên chung là Em. Tuy không tên gọi thậm chí không một lần rõ mặt nhưng các cô mãi là những ấn tượng khó quên. Nhà thơ Lâm Thị Mĩ Dạ tưởng niệm cô gái không tên, không tuổi hi sinh để cứu con đường cho đoàn xe kịp giờ ra trận qua những dòng thơ dạt dào xúc động:
                        Tên con đường là tên em gửi lại
                        Cái chết em xanh khoảng trời con gái
                        Tôi soi lòng mình trong cuộc sống của em  
                        ….
                        Gương mặt em bạn bè tôi không biết
                        Nên mỗi người có gương mặt em riêng
                                                            ( Khoảng trời- hố bom)
Với Lá đỏ, Nguyễn Đình Thi đã thân mật gọi tên các nữ thanh niên trong một lần gặp mặt vội vã, trên con đường hành quân xa là em gái tiền phương:
                        Gặp em trên cao lộng gió
                        Rừng lạ ào ào lá đỏ
                        …
                        Chào em, em gái tiền phương
                        Hẹn gặp em nhé giữa Sài Gòn
Viết về hiện thực Trường Sơn và những cô gái thanh niên xung phong, ta không thể bỏ qua thi sĩ Phạm Tiến Duật. Anh được mệnh danh là con chim lửa của Trường Sơn huyền thoại, cây săng lẻ của rừng già. Hình tượng nữ thanh niên xung phong xuất hiện xuyên suốt trong thơ anh, nhưng hầu hết đều không có tên gọi. Họ đại diện cho vẻ đẹp chung của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam thời chống Mĩ:
                        Ơi em gái chưa một lần rõ mặt
                        Có lẽ nào anh lại mê em
                        Từ cái đêm Thạch Nhọn Thạch Kim
                        Tên em đã thành tên chung anh gọi
                        Em là cô thanh niên xung phong
                                    ( Gửi em, cô thanh niên xung phong )
Phải chăng, các nhà thơ thời chống Mĩ đã cố ý mờ hóa tên tuổi của các cô để tô đậm phẩm chất cao đẹp của người nữ thanh niên xung phong? Các cô, các chị đã hóa thân thành tên gọi chung của đất nước để đất Việt hôm nay được bay lên trong bát ngát mùa xuân.
            Hình tượng các chị xuất hiện với nhiều dáng vẻ khác nhau bởi sự cảm nhận và phong cách của mỗi nhà thơ là riêng biệt. Đó là một Lâm Thị Mĩ Dạ cảm xúc lắng sâu, một Nguyễn Đình Thi triết lí suy ngẫm, một Phạm Tiến Duật tếu táo, đùa nghịch ... Nếu Khoảng trời-hố bom là khúc tưởng niệm, là nén tâm nhang cho cô gái phá bom cứu lấy con đường thì Lá đỏ,Gửi em-cô thanh niên xung phong là những vần thơ giàu chất sống về ý chí ngoan cường của người nữ thanh niên ở đại đội làm đường.
Dù xuất thân từ những vùng quê khác nhau, giọng nói và lối sống mỗi người mỗi vẻ nhưng các chị lại gặp nhau trong tình yêu quê hương đất nước sâu nặng, ở lí tưởng xả thân và vẻ đẹp tâm hồn bình dị, sáng trong. Ta bắt gặp cô thanh niên xung phong tinh nghịch hồn nhiên trong thơ Phạm Tiến Duật:
Em ở Thạch Kim sao lại lừa anh nói là "Thạch Nhọn”
Đêm ranh mãnh ngăn cái nhìn đưa đón
Em đóng cọc rào quanh hố bom
Cái miệng em ngoa cho bạn cười giòn
                        ( Gửi em, cô thanh niên xung phong)
            Chất giọng Hà Tĩnh chua ngoa đanh đá của các cô thanh niên xung phong gợi ta nhớ đến nét hồn nhiên trong sáng của mười cô gái ở ngã ba Đồng Lộc, Quảng Bình năm nào. Mười khuôn mặt trẻ trung bình dị ấy mãi là điểm nhấn trong kí ức mỗi người khi đến thăm nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Gian khổ đe dọa, cái chết rình rập không ngăn được nét lạc quan, trong trẻo trong tâm hồn của người con gái Việt Nam. Ta không khỏi bật cười khi đọc những dòng thơ sau của Phạm Tiến Duật: Đại đội thanh niên đi lấp hố bom- Áo em hình như trắng nhất. Là con gái, cô nào không thích chưng diện. Hoàn cảnh làm việc ban đêm giữa chiến trường nhà ngoái cũng như nhà tranh, nhưng các cô vẫn tranh thủ cơ hội để diện áo trắng. Ý thơ vừa gợi lên cái khốc liệt của hoàn cảnh khiến chúng ta cảm thấy xót xa, vừa tô đậm nét nữ tính, đời thường của người nữ thanh niên xung phong.
Chất bình dị, đời thường, chân quê của các chị, các cô chính là hình ảnh của quê hương trong lòng người ra trận. Hình ảnh cô gái với chiếc áo bạc màu sương gió mãi là nguồn động viên, thôi thúc người chiến sĩ trên chặng đường hành quân gian nan:
                        Em đứng bên đường, như quê hương
                        Vai áo bạc quàng súng trường
                                    ( Lá đỏ - Nguyễn Đình Thi)
            Và đến khi nằm xuống, tâm hồn của các cô là khoảng trời, vì sao mãi ngời chói soi đường, dẫn lối cho những đoàn xe ra mặt trận:
                        Em nằm dưới đất sâu
                        Như khoảng trời đã nằm yên trong đất
                        Đêm đêm tâm hồn em tỏa sáng
                        Những vì sao ngời chói lung linh
                                    ( Khoảng trời – hố bom )
            Có cái chết hóa thành bất tử và cái chết của cô gái mở đường trong ý thơ của Lâm Thị Mĩ Dạ là những vì sao, những ngọn lửa sáng ngời. Sự hi sinh của người thanh niên xung phong năm nào trên tuyến đường Trường Sơn rực lửa như hình ảnh của dũng sĩ Đankô đã bứt quả tim mình biến thành ngọn lửa dẫn lối những người cùng khổ đi tìm miền đất hứa:
                        Em đã lấy tình yêu Tổ quốc của mình thắp lên ngọn lửa
                        Đánh lạc hướng thù hứng lấy luồng bom
                                    ( Khoảng trời – hố bom )
            Đó cũng chính là vẻ đẹp phi thường của người nữ thanh niên xung phong mà không hiếm trang viết của những nhà văn, nhà thơ đã từng đề cập. Nét quả cảm bất chấp hiểm nguy của các cô đã được Phạm Tiến Duật khắc họa qua giọng thơ sôi nổi, trẻ trung trong Gửi em, cô thanh niên xung phong:
                        Cạnh giếng nước có bom từ trường
                        Em không rửa ngủ ngày chân lấm
                        Ngày em phá nhiều bom nổ chậm
                        Đêm nằm mơ nói mớ vang nhà
            Thật đúng là: anh hùng đâu cứ phải mày râu. Các cô gái vóc dáng nhỏ nhắn tưởng như chân yếu tay mềm ấy lại táo bạo và đầy bản lĩnh. Hành động nằm ngủ thản nhiên giữa ban ngày, bên cạnh một giếng nước có bom từ trường của cô gái trong ý thơ, khiến chúng ta bàng hoàng, sửng sốt. Các cô gan dạ, táo tợn chẳng khác nào một Út Tịch trong Người mẹ cầm súng của Nguyễn Thi, một chị Sứ trong Hòn đất của Anh Đức…
            Hình ảnh các cô, các chị mãi là chiếc cọc tiền tiêu dẫn đường cho đoàn quân Nam tiến. Lá đỏ của Nguyễn Đình Thi đã chụp lại tấm ảnh về tư thế hiên ngang của người nữ thanh niên xung phong trong không gian Trường Sơn với bụi lửa nhạt nhòa. Dáng đứng của ” em” trên con đường Trường Sơn năm ấy như tạc vào trang sử một dáng đứng Việt Nam:
                        Em đứng bên đường, như quê hương
                        Vai áo bạc quàng súng trường
                        Đoàn quân vẫn đi vội vã
                        Bụi Trường Sơn nhòa trời lửa
            Có thể nói: Lá đỏ là hiện thực Trường Sơn gian khó và hào hùng, lá màu đỏ là máu của các anh, các chị đổ ra thấm đẫm màu cờ Tổ quốc.
            Sống trong cát, chết vùi trong cát – Những trái tim như ngọc sáng ngời (Tố Hữu). Vẻ đẹp tâm hồn, vẻ đẹp của hành động xả thân ở cô gái thanh niên xung phong muôn đời ngời sáng. Sự hi sinh cao cả của người thanh niên năm nào sẽ là tấm gương trong vắt để thế hệ mai sau soi mình và tìm ở đó những "chất ngọc” quý giá:
                        Hỡi mặt trời hay chính trái tim em trong ngực
                        Soi cho tôi ngày hôm nay bước tiếp quãng đường dài.
                                    ( Khoảng trời – hố bom )
            Thời đại mới chắp cho ta đôi cánh – đôi cánh thiên thần để đưa đất nước lên tầm cao mới. Song sự vươn mình kì lạ của Tổ quốc hôm nay không thể có nếu như thiếu đi sự hi sinh quên mình của những thế hệ cha ông. Nhắc đến sự cống hiến thầm lặng đó, ta mãi mãi không quên công lao của những người mẹ, người chị - những người nữ thanh niên xung phong trên tuyến lửa Trường Sơn. Họ là cô gái " hăm bảy tuổi chuyện chồng con chưa nói – Cả một thời trẻ trung sôi nổi - Ở bên nhau bếp lửa giữa rừng xa…”( Phạm Tiến Duật )
            Gương mặt của họ rất lạ nhưng cũng rất quen. Họ không chỉ xuất hiện trong những dòng thơ mà ta đã đọc mà còn là hình ảnh đầy ấn tượng trong những trang văn của Lê Minh Khuê với Những ngôi sao xa xôi, Nguyễn Minh Châu với Mảnh trăng cuối rừng hay Ráng đỏ của Đỗ Chu… Sau này, trong những trang viết sau 1975 ta lại gặp họ tái hiện trong Hai người đàn bà xóm trại (Nguyễn Quang Thiều), Người sót lại của rừng cười (Võ Thị Hảo)… Trong âm nhạc, giai điệu thân quen của Xuân Giao về Cô gái mở đường Trường Sơn năm nào khiến chúng ta không thể nào quên: "Đi giữa trời khuya sao đêm lấp lánh, tiếng hát ai vang động núi rừng. Phải chăng em, cô gái mở đường, không thấy mặt người chỉ nghe tiếng hát… Ôi biết bao cô gái đang ngày đêm mở đường, hỏi em bao nhiêu tuổi mà sức em phi thường…”
            Có thể nói hình ảnh người nữ thanh niên xung phong năm xưa đã góp phần dệt nên những trang sử hào hùng cho dân tộc Việt Nam hôm nay sánh vai cùng các cường quốc năm châu. Trở về với đời thường, các cô là những người vợ, người mẹ gần gũi thân thương. Nhưng cũng không hiếm người đã cống hiến cả tuổi xuân cho trận chiến để đến khi trở về, tóc không còn xanh nữa. Sự hi sinh thầm lặng của các cô đáng được ghi công và kính nể.
            Xã hội thời mở cửa, một bộ phận trong giới trẻ điên cuồng chạy theo lợi nhuận kinh tế, liệu trong số họ có còn ai khao khát cống hiến và sẵn sàng hi sinh vì lí tưởng như thế hệ thanh niên thời chống Pháp, chống Mĩ?
Đọc lại những dòng thơ viết về những người nữ thanh niên xung phong năm xưa,  ta xúc động, tự hào và cảm phục biết bao. Hãy nghĩ nhiều về những ngày đã qua để sống tốt hơn trong hiện tại. Đó phải chăng là thông điệp mà Nguyễn Đình Thi, Lâm Thị Mỹ Dạ, Phạm Tiến Duật gởi lại cho đời từ hình ảnh của những cô thanh niên xung phong chỉ biết: Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét