Mộc Nhân –
Lê Đức Thịnh
Về tập
thơ "Trăng vẫn sáng" của Đỗ Thị Kết
Nhà xuất bản Văn Học - 2014
Trong dòng chảy đa diện
của thi ca Đất Quảng, chợt nhận ra một giọng thơ dung dị, không cầu kì tung
hứng chữ nghĩa, không mật ngôn ẩn ngữ mà có sức lay động lòng người, ngời lên
từng con chữ bình dị, tròn ý đầy tình: thơ Đỗ Thị Kết.
Tôi biết cô Đỗ Thị Kết từ rất lâu, là một đồng nghiệp, một đàn chị, một bạn thơ
nên đôi khi được cô chia sẻ những trang viết. Nguồn cảm xúc thơ Đỗ Thị Kết khởi
hành từ cuộc sống thật của chính mình; đọc và hiểu được nơi trú ngụ đằng sau
mỗi con chữ của Đỗ Thị Kết là những trầm mặc chuyện đời, chuyện nghề, chuyện
quê hương, những số phận… để rồi những nét vẽ của ngôn từ trong thơ Đỗ Thị Kết
đã tạo nên những bức tranh sinh động đủ sắc màu ấm lạnh.
Chiều dài tháng năm của nghề dạy học, chiều sâu
minh triết của một người thấm nhuần lẽ đạo trong những biến chuyển trầm phù của
đời sống không giới hạn đã tạo nên một bút lực ở Đỗ Thị Kết.
Ở Đỗ Thị Kết, dạy học không chỉ là một nghề mà còn là
cái nghiệp – không chỉ là nỗi đau đáu với những bài giảng mà còn là những
xót thương khi nhận ra “Ô bỏ trống” đâu dễ nói về một thân phận học
trò: “Có một ô trống/ Cha em là ai/ Chết hay còn sống/ Mẹ em/ Cô nhận
ra rồi…/ Ô trống kia/ Làm sao điền như con toán/ Dáng người cha/ Em có tưởng
tượng bao giờ ?” (Ô bỏ trống).
Từ những thấu hiểu về chuyện đời trong chuyện nghề mà niềm vui của Đỗ Thị Kết
là “ánh mắt ngỡ ngàng, cảm giác bàng hoàng/ náo nức, bồi hồi, mong đợi” khi
bắt gặp “Hạnh phúc trong tôi qua từng đôi mắt ấy/ Những đôi
mắt như bao đôi mắt vậy/ Mà ánh nhìn làm mát cả tâm can/ Khi em cười khôn ngăn
những âm vang” (Đôi mắt).
Mảng đề tài quê hương trong thơ Đỗ Thị Kết
là hồi ức đẹp có buồn vui với giai điệu thơ khi trầm lắng, khi trào dâng
về hình ảnh người mẹ: “Tàu cau/ Trước ngõ/ Hương trong gió/ Bóng mẹ
già/ Lom khom nhặt/ Chuốt từng sợi khô/ Cặm cụi bao ngày/ Chổi cau / Mẹ quét/
Mo cau/ Chiếc gàu/ Nghiêng/ Nghiêng / Lật/ Lật/ Sợi dây dừa/ Giếng nước đầu
thôn/ Hương quê/ Day dứt/ Bồn chồn!” (Hương quê); có khi chắt lọc, gọt
giũa và chạm khắc về người cha trong nhịp “đều đặn vòng quay… lại trở,
lại xoay”: “Lại một giấc mơ/ Ngôi nhà thân yêu/ Bên lò lửa/ Cha miệt mài / Từng
vá bột/ Đều đặn vòng quay/ Bánh nóng dẻo / Trắng màu gạo trắng/ Lại trở, Lại
xoay…” (Ngan ngát vị quê)
Hình ảnh làng quê trong thơ Đỗ Thị
Kết hiện lên hiền lành, lặng lẽ trong biển đời mênh mông sóng động: Chiếc
bánh/ Cái quạt nan/ Nồi than rực đỏ/ Vuờn cải/ Vại tương trước sân/ Cây xoan
đầu ngõ…” để rồi tất cả làm nên “Ngan ngát/ Sớm. Chiều/ Mùi. Vị/
Quê hương.” (Ngan ngát vị quê)
Trong nhiều khoảnh khắc như thiền tịnh, Đỗ Thị Kết đã tìm về góc vườn dịu êm,
cộng hưởng với đất trời trong niềm vui dung dị mà thành cõi bình yên, hòa ái: “Hàng
cau/ Chừ đã vươn cao/ Mẹ ơi/ Mơ ước thuở nào/ Giờ đây…./ Nắng soi rực rỡ vườn
cây/ Hồng kia đỏ thắm/ Mai này vàng tươi/ Ngàn hoa khoe sắc/ Nhớ Người/ Nhớ mùa
xuân/ Nhớ nụ cười thương yêu” (Giá mà có mẹ).
Bỗng dưng nghĩ đến tên tập thơ của
Đỗ Thị Kết - “Trăng vẫn sáng” – tập thơ chắt lọc một đời cầm
bút giữa cuộc phù sinh mà nhận ra một điều: giữa cái gần và rất xa trong
ánh trăng tưởng như mơ mộng ấy là một tình yêu không bao giờ vơi cạn không chỉ
dành riêng cho cha mẹ, người thân, cho đàn em nhỏ mà còn dành cho đất đai,
thanh âm mà Đỗ Thị Kết đã từng sống, từng nghe trong mạch ngầm quê
hương: “Mười năm/ Vẫn một màu trăng/ Mười năm/ Mà cứ ngỡ rằng/ hôm
qua…/ Không gian vời vợi bao la/ Hàng tre soi bóng, Vu Gia lững lờ/ Vẫn
con đường/ Thắm ước mơ/ Tiếng cười trong trẻo bây giờ còn vang/ Mênh mông
trăng/ Rộn xóm làng/ Đường thơm hương lúa/ Thênh thang gió đồi/ Rất gần lại rất
xa xôi/ Rừng xanh có nhớ khoảng trời ta qua » (Suối xưa còn vọng?).
Những trang thơ Đỗ Thị Kết nếu nhìn ở góc độ nào đó có thể xem như những dòng
nhật ký. Có khi ghi trong khoảnh khắc thiêng liêng: “Phút giao thừa/
Bao lời chúc phúc/ Thật giản đơn/ Thoáng chút ngỡ ngàng/ Giao thoa đất trời/
Muôn vật hân hoan/ Thanh âm rộn ràng / Niềm vui tất bật/ Thời điểm thiêng liêng
/ Không gian rất thật/ Có khoảnh khắc nào / Như thực/ Như mơ !”(Khoảnh
khắc); hay lúc chật vật ngày lũ mà “Chiêm bao/ Cơn lũ lại về…/ Cõng mẹ tìm nơi trú ngụ/ Con nghe bao nỗi bời
bời/ Ngồi đó chờ con mẹ nhé/ Ra ngoài hứng giọt mưa rơi…” (Chiêm
bao); hay để thổ lộ những trăn trở của mình về
lẽ nhân sinh: “Tìm đâu/ Số phận/ Cuộc đời/ Trăng thơ/ Nhũng phù phiếm/
Vu vơ/ Vinh quang/ Cay đắng/ Một giấc mơ/ Dây oan đeo đẳng/ Cơm áo/ Nghĩa tình/
Vấn vuơng/ Thầm lặng/ Bao ngả đường/ Lối rẽ về đâu?” (Lối rẽ về đâu);nhưng
cũng có lúc rạng ngời mùa xuân: “Đã nghe xuân đến rộn ràng/ Đã nghe
muôn vật hân hoan đón chào/ Xuân nay hay những xuân nào/ Mai vàng vẫn nét
thanh tao ngàn đời/ Hoa xuân khoe sắc gọi mời/ Hương xuân hương của đất trời
giao thoa”(Xuân).
Điều đáng trân trọng nhất là thơ Thơ Đỗ Thị Kết giản dị, thân thiết với muôn
nẻo đời thường, chưa bao giờ cần đến sự trang điểm hay cầu kì chữ nghĩa mà vẫn
tạo nên một thế giới tinh thần khác biệt, thuần khiết, thanh tân.
Có lẽ đó là dấu ấn, là nét riêng của thơ Đỗ Thị Kết còn đọng lại trong cảm nhận
của bạn đọc – một thế giới nghệ thuật “Ngan ngát vị quê”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét