(GD&TĐ) - Mấy năn gần đây Bộ GD-ĐT đã có nhiều cải cách về chương trình, sách giáo khoa, thi cử và phương pháp giảng dạy… thu được một số thắng lợi bước đầu, tuy vẫn còn không ít bất cập

Một thực tế mà không ai chối cải là lâu nay các em ít mặn mà với môn Văn, vì không cảm được nó hay ở chỗ nào. Điều đó có lý do ở người dạy. Nhiều thầy cô quên mất đặc trưng của văn học, dạy văn mà cứ như dạy chính trị, giáo dục công dân hay sử địa. Suốt 45 phút không thấy có một lời bình văn, không khai thác được những “điểm sáng thẩm mỹ” của hình tượng văn học. Quanh đi quẩn lại chỉ thầy trò vấn đáp rời rạc, rồi nếu có màn hình lớn vi tính thì cho các em xem vài cảnh thiên nhiên, con người, ảnh tác giả…Học sinh ra khỏi lớp là quên tất cả, dồn sức để giải bài tập của các môn tự nhiên.
Sở dĩ đã mấy chục năm trôi qua mà lớp nhà giáo đã nghỉ hưu như chúng tôi vẫn còn nhớ như in những giờ dạy văn của một số thầy hồi còn học cấp 2, 3 hay Đại học, chính là nhờ những giây phút được nghe các thầy bình văn. Những giây phút đó trí tưởng tượng của chúng tôi bay bổng, sống với nhân vật, hoàn cảnh trong văn xuôi, kịch, hoặc như được “bay lên” cùng những vần thơ giàu tính hoạ, tính nhạc. Đúng như cố nhà thơ Xuân Diệu đã nói: “Mỗi áng văn, lời thơ là một cá lội, con bướm bay, con chim hót Việc nghiên cứu giảng dạy thơ văn là phải đưa được vào trái tim người đọc cái kỳ diệu của chim hót, bướm bay, cá lội, chứ không phải làm cho bướm ép dẹp, chim nhồi rơm và cá chết khô”. Một lời bình hay, đúng lúc, đúng chỗ sẽ nâng cao giá trị thẩm mỹ của bài văn, bài thơ, khơi dậy ở trái tim non trẻ của các em tình yêu người, yêu đời để các em biết ghét cái ác, cái xấu mà hướng tới chân, thiện mỹ. Còn nếu dạy văn mà cứ như dạy ngữ pháp, hay dạy cách làm văn với mấy chục câu hỏi lý trí, vô bổ, thì hỡi ôi, chẳng khác nào nước xối đầu vịt, nước đổ lá khoai. Thậm chí có thầy cô còn chưa biết đọc diễn cảm, chứ chưa nói đến ngâm thơ khi cần để minh hoạ.
Kỳ bình văn khách tới như mây.
.jpg)
Hiện nay, nhiều thầy cô còn bận “đánh vật” với miếng cơm manh áo đời thường- “Cơm áo không đùa với khách thơ” (Xuân Diệu), thì còn đâu thời giờ để đi thư viện đọc các tác phẩm dài hàng mấy trăm trang, tiền đâu để mua các sách văn học có liên quan đến chương trình văn ở các lớp. Nếu không đọc- hiểu sâu về tác phẩm thì không thể có lời bình văn đúng và hay. Cũng có thầy cô nhờ chất giọng tốt qua những lời bình văn được các em yêu thích nhưng xem ra lời bình ấy vẫn chỉ là “tán”, “bốc đồng” rông dài, ngẫu hứng mà thôi. Có khi còn góp phần băm nát hình tượng thơ theo kiểu “chẻ sợi tóc làm tư”, hoặc gán cho bài thơ, bài văn nhiều nội dung xã hội “dung tục” mà tác phẩm ấy vốn không chứa đựng. Thoát ly văn bản, kiểu bình cho sướng miệng, lọt lỗ tai trò nhưng thực ra trò chẳng nắm được gì, thì đó là dạy văn theo “điệu sáo”, theo kiểu “múa chữ” như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng phê phán trước đây. Nếu không có năng khiếu bình thơ, bình văn, không biết ngâm thơ thì hãy cố đọc diễn cảm bài thơ, bài văn đó cho tốt. Đọc lần thứ nhất chỉ là “bì phu” (mới sờ tới phần “da” của tác phẩm), đọc lần thứ hai hiểu thêm một tầng nghĩa nữa, là cách đọc “cốt nhục” (hiểu được thịt, xương của tác phẩm), và đọc đến lần thứ ba, thứ tư là đã hút được một phần chất “tuỷ” của tác phẩm. Đánh giá cao vai trò đọc văn, GS-TS Trần Đình Sử đã đưa ra đề nghị Theo tôi gọi môn văn trong nhà trường là môn dạy đọc văn là đúng nhất và sát nhất. Tuy nhiên nhận định trên mới chỉ là “điều kiện cần nhưng chưa đủ”, còn nhiều điều phải bàn thêm. Song, nếu dạy văn mà thầy và trò không được đọc tác phẩm, hoặc có tác phẩm mà không biết cách đọc thì khó thẩm thấu cái hay, cái đẹp của tác phẩm ấy. Người thầy muốn thắp sáng ngọn lửa tình yêu văn chương trong tâm hồn học sinh thì trước hết hãy thổi bùng ngọn lửa văn chương trong trái tim của mình.
Cùng với các thao tác khác trong quá trình dạy văn, lời bình hay sẽ có một ý nghĩa rất quan trọng. Mãi mãi thế hệ “U60” chúng tôi vẫn còn nhớ như in một số lời bình rất hấp dẫn của các thầy: Lê Trí Viễn, Hoàng Như Mai, Hoàng Hữu Yên, Nguyễn Đăng Mạnh, Nguyễn Đình Chú, Phan Cự Đệ… Hành trang ấy đã giúp chúng tôi có được những học sinh giỏi văn đạt giải cấp quốc gia, một số em nay đã là Tiến sĩ, Thạc sĩ dạy ở một số trường Đại học, Cao đẳng, là giáo viên giỏi ở các cấp THCS, THPH hay nghiên cứu ở Viện văn học…
Lê Xuân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét