Thứ Bảy, 8 tháng 6, 2013

224/ HÀNH TRÌNH THAM QUAN- ĐÔI DÒNG CẢM XÚC

         
             Sáng này 30 tháng sáu năm 2013, vừa kết thúc năm học, trường THCS Nguyễn Hiền tổ chức tham quan dã ngoại cho các lớp CLC và học sinh giỏi khối 9 của nhà trường. Thành phố Đà nẵng với nhà bảo tàng quân khu 5, Non nước, phố cổ Hội An, nhà lưu niệm Nguyễn Văn Trỗi… là những địa danh  vốn dĩ rất quen thuộc với con người Quảng nam- Đà Nẵng thế nhưng nhưng hình ảnh ấy không làm cho đoàn tham quan chúng tôi nhàm chán mà thật sự là một chuyến đi vui chơi bổ ích – có lẽ bởi giá trị, ý nghĩa lâu bền của những nơi đó.
          Khi xe bắt đầu chuyển bánh, bao nhiêu háo hức, trông đợi của các em đã  bắt đầu dâng trào. Chăng đường dài hơn 60 cây số được các em thu ngắn lại vì tiếng hát say sưa, lời đùa tinh nghịch…Ngồi trên chiệc ghế súp nhỏ nhưng chúng tôi vẫn không thấy mệt vì đã hòa vào cái sôi nổi, tươi trẻ đáng yêu của các em.

            Đoàn tham quan dừng lại ở chăng đường thứ nhất- nhà lưu niệm Nguyễn Văn Trỗi- Tuy là nhân vật anh hùng rất quen thuộc với chúng ta, nhưng khi được tận mắt nhìn những tấm ảnh về anh, chị Quyên ( vợ anh), một cảm xúc khó tả nào đó cũng lại trỗi dậy. Tôi thầm nghĩ, “ Điều gì đã khiến anh- một con người công nhân bình thường, nghèo khổ… như vậy” đã làm nên một việc quá lớn lao cho đất nước, cho dân tộc!? Lịch sử đã ghi tên anh, cả dân tộc Việt nam, cả thế giới đã ngưỡng mộ, khâm phục anh vì việc làm dũng cảm xuất phát từ tình yêu nước sâu sắc- “Sống như anh”- Bây giờ đã trở thành phương châm sống, hành động cho thế hệ trẻ Việt nam. Nhà tưởng niệm dành cho anh thật là một món quà đáng giá đồng thời rất có ý nghĩa cho cuộc sống của chúng ta hôm nay và mãi mãi mai sau. Cuộc hành trình lại tiếp tục tiến vào thành phố Đà nẵng, đúng như tên gọi “ thành phố cầu” , dọc đường Bạch Đằng, theo dòng chảy của con sông Hàn, những chiếc cầu mới tinh với kiến trúc mới thật là hấp dẫn… Chiếc Cầu Rồng thật uy nghi, xếp song song với cầu Trần Thị Lý cũng duyên dáng, nối tiếp với cầu Nguyễn văn Trỗi, cầu Sông Hàn, cầu Thuận Phước. Mỗi chiếc cầu mỗi vẻ, mỗi cách kiến trúc khác nhau nhưng tất cả đã nói lên một thành tựu đáng tự hào của thành phố Đà Nẵng thân yêu – một bước phát triển nhanh chóng của thành phố này. Cái nằng hè khắc nghiệt của khu vực miền Trung nhưng không ngăn được bước chân của thầy trò chúng tôi, cả đoàn đã bị sự hấp dẫn của những chiếc cầu mới lạ, đẹp mắt chinh phục. Những tấm hình lưu niệm về chiếc cầu được ghi lại giữa cái nắng chói chang như là chút tình cảm của con người Quảng nam đến với Đà nẵng!.
  Đúng 10h30 phút, cuộc hành trình của đoàn tham quan được đến bảo tàng quân khu 5 một lần nữa tất cả đoàn người được sống lại với kỉ niệm về Bác với ngôi nhà sàn, với những hình ảnh của Bác trong cuộc đời hoạt động đầy gian truân của mình. Với Bác, trong lòng mỗi người dân Việt nam là người cha già đáng kính, là lãnh tụ vĩ đại,  Bác mãi mãi  là niềm tự hào của dân tộc Việt nam. Giờ đây, trước những hình ảnh, những kỉ vật của người được lưu giữ lại cùng với lời dẫn dắt của chú hướng dẫn viên qua từng hình ảnh, tuy không nói ra nhưng có lẽ nỗi niềm xúc động, niềm thương tiếc vì sự ra đi của Người càng lắng động sâu hơn trong lòng mỗi người!
                  Bác ơi! Tim Bác mênh mông thế
                  Ôm cả non sông một kiếp người.
        Buổi chiều, đoàn tham quan được đến với địa danh Non nước, Vẫn với cái nắng oi bức giờ lại thêm cái mệt qua hơn ba giờ đồng hồ cuốc bộ, giờ còn thêm một dốc núi đá trước mặt, điểm qua từng khuôn mặt tôi đã nhận thấy rõ một chút ngao ngán nhưng có lẽ cái háo hức muốn khám phá, muốn chinh phục thử thách đã thôi thúc cả đoàn người. Cố gắng lên thôi! Phải hoàn thành chuyến đi, phải khám phá tất cả!- Khẩu hiệu hành động ấy đã làm cho chúng tôi như quên hết cái mệt mõi, Rồi như không ai bảo ai, người này kéo người kia, cứ đằng sau cái thở dốc, cùng với những giọt mồ hôi nhễ nhại là lời động viên nhỏ nhẹ” cố gắng”, hình như cái tên gọi “Đông Âm phủ”, “Đường lên trời”, rồi cả thành phố Đà nẵng khi đứng trên ngọn núi cao kia đã cuốn hút tất cả, làm quên đi mệt mõi… 
       Về với phố cổ Hội an, được dạo quanh những ngôi nhà cổ, những ngôi chùa với kiến trúc độc đáo, chiếc chùa cầu nho nhỏ cũ kĩ.. các em như được đắm mình trong sự yên tĩnh của thành phố cổ đã được tôn vinh là di sản văn hóa. Dạo quanh phố, mỗi người tìm cho mình một món ăn đặc sản của phố Hội: Bánh đậu xanh, bánh su-sê, bánh ít…mang về làm quà.
      Một ngày tham quan ngắn ngủi, nhưng những hỉnh ảnh của mỗi địa danh được đi qua sẽ để lại trong lòng mỗi thầy, trò trường Nguyễn Hiền nhiều tình cảm, nhiều kỉ niệm đẹp. Mong rằng đằng sau những kỉ niệm và những hỉnh ảnh được tham quan không chỉ được lưu giữ lại trong kí ức mọi người mà còn là những bài học bổ ích cho các em trong quá trình học tập của mình. Các em sẽ là những chủ nhân tương lai của đất nước biết luôn trân trọng, giữ gìn và phát huy những tinh hoa, những truyền thống quý báu của cha ông để lại.
                                                          Phú Thịnh, Ngày 7 thánh 6 năm 2013
                                                           Thanh Tuyền


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét