Chủ Nhật, 14 tháng 10, 2012

93/ ĐÂU RỒI TÍNH NHÂN VĂN?


Đâu rồi tính nhân văn?

          Mấy ngày cuối tuần qua, món "canh gà Thọ Xương" đã trở thành đề tài thảo luận sôi nổi, nóng bỏng trên hầu hết các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt trong cộng đồng mạng. Một bên là sự cật vấn rồi quy kết đến nghiệt ngã đối với một cô giáo trẻ mới vào nghề được 2 năm, còn nguyên bầu nhiệt huyết vì sự nghiệp trồng người- Hà Thu Thủy- Giáo viên dạy văn lớp 7A10, Trường THPT Lômônôxốp (Hà Nội) qua hàng loạt các bài báo, các comment giật tít gây sốc trước dư luận như: "Phụ huynh sửng sốt với món "canh gà Thọ Xương", "Món "canh gà Thọ Xương" khó nuốt", "Còn nhiều "canh gà Thọ Xương" khác... Một bên thể hiện sự thông cảm, sẻ chia sâu sắc với cô giáo Thủy với loạt bài: "Vụ "canh gà Thọ Xương": Xin đừng làm hại một giáo viên trọng danh dự!", "Vụ "canh gà Thọ Xương": Người lớn phải học tính nhân văn của con trẻ", "Cô giáo nhập viện vì món "canh gà Thọ Xương"...Vậy đâu là sự thật?


Bài văn phân tích bài ca dao  " gió đư...." có món canh gà Thọ Xương
Đi tìm sự thật về món "canh gà Thọ Xương"   
Câu chuyện bắt đầu từ một bài báo kể về một phụ huynh bị sốc khi bài văn của con có đoạn viết: "Tiếng chuông Trấn Vũ" là nét đẹp tôn trọng thờ kính tổ tiên, còn "canh gà Thọ Xương" là món canh gà ở hồ Tây. Để câu chuyện thêm phần "thi vị", tác giả bài báo viết: "Đi học về, con gái kể những câu ca dao được cô dạy trên lớp và đòi bố mẹ đưa đi ăn món "canh gà Thọ Xương"!? Trước sự hốt hoảng của người cha, cô bé đưa ra vở tập làm văn viết về sự cảm nhận của mình qua 4 câu ca dao "Gió đưa cành trúc la đà/Tiếng chuông Trấn Vũ canh gà Thọ Xương/Mịt mù khói tỏa ngàn sương/Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ" rồi khăng khăng khẳng định: Món "canh gà Thọ Xương" này là do cô giáo dạy.

Có thật là cô Thủy đã dạy học sinh món canh gà này?
Trao đổi với chúng tôi, thầy Nguyễn Quang Tùng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lômônôxôp cho biết, đánh giá về điều này, trước hết phải có cái nhìn về tổng thể. Theo thầy Tùng, cô Thủy vốn là học sinh chuyên văn của Trường THPT chuyên Hùng Vương (Phú Thọ), người đã đạt giải Nhì HSG Văn của tỉnh. Cô Thủy tốt nghiệp khoa văn Trường ĐHSP Hà Nội 1 loại giỏi và vừa bảo vệ luận văn thạc sĩ với số điểm 10/10. Thầy Tùng còn bình luận thêm rằng hiện nay, số luận văn thạc sĩ đạt 9,7 hay 9,8 điểm khá nhiều, tuy nhiên đạt 10 điểm thì không phải là chuyện đơn giản. Luận văn thạc sĩ của cô Thủy đã được triển khai thành sáng kiến kinh nghiệm ứng dụng trong trường và đạt loại A cấp huyện. Một cô giáo có lý lịch chuyên môn như thế mà mắc phải lỗi tày trời như báo chí từng nêu thì đúng là chúng ta phải đặt lại vấn đề- Thầy Tùng nhấn mạnh.
Để kiểm tra xem cô Thủy có dạy học sinh rằng canh gà Thọ Xương là món canh đặc biệt của Hà Nội hay không, Trường Lômônôxốp đã phát phiếu điều tra theo 4 câu hỏi và nhận được trả lời của học sinh lớp 7A10 như sau:
Câu thứ nhất: Cô có dạy bài ca dao "Gió đưa cành trúc la đà..." hay không? 100% HS trả lời "có".
Câu thứ 2: Cô có dạy "canh gà Thọ Xương" là món canh của Hà Nội hay không? 12 trên tổng số 28 con trả lời "có", số còn lại trả lời "không".
Câu thứ 3: Con có đề nghị bố mẹ đưa đi ăn canh gà hay không? 100% các con trả lời là "không".
Câu thứ 4: Các con có ý kiến gì không? Các con có ý kiến rằng muốn chấm dứt chuyện này ở đây.
Như vậy, có trên 40% HS lớp 7A10 thừa nhận cô Thủy đã dạy "canh gà Thọ Xương" là món canh của Hà Nội?

Tại sao lại như vậy?
Chúng tôi không gặp được cô Thủy. Khi sự việc xảy ra, cô đã bị sốc, làm đơn xin nghỉ việc, về quê và tắt ĐTDĐ vì không chịu được áp lực của búa rìu dư luận. Tuy nhiên, theo thầy Tùng, ngay sau khi nhận được cú điện thoại của phụ huynh HS M.A, lớp 7A10, nhà trường đã tổ chức các cuộc họp với nhóm giáo viên văn lớp 7, nhóm giáo viên THCS (Lômônôxốp là trường liên cấp-TG) và toàn bộ tổ văn, kiểm tra lịch báo giảng và giáo án của cô Thủy.
Theo tường trình của cô Thủy thì khi giảng bài ca dao "Gió đưa cành trúc la đà...", có em học sinh đã hỏi rằng có phải đó là món canh của Hà Nội? Cô bảo: "Cũng có rất nhiều người hiểu như thế", các con cảm nhận như thế nào? Lỗi của cô Thuỷ ở đây là đưa ra vấn đề mở, để HS cảm nhận một cách tự do nhưng không chốt lại vấn đề bằng cách giải thích rõ ràng, Có lẽ vì thế mà khi HS làm bài, một số em đã hiểu sai rằng "canh gà Thọ Xương" là món canh của Hà Nội. Cô Thủy đã sửa lỗi chính tả, chữ viết vì có một số học sinh viết tắt, nhưng cô không gạch vào lỗi sai "canh gà...". Tuy nhiên, cô Thủy đã trực tiếp nhắc nhở các em ngay trên lớp rằng về nhà tự sửa lại lỗi sai này. Về chấm điểm, cô Thủy cho HS M.A 8+ là kết quả chung của 8 bài làm văn chứ không không phải là kết quả của bài văn thứ 8- bài ca dao "Gió đưa cành trúc la đà...".
Theo thầy Tùng thì Ban giám hiệu Trường Lômônôxôp khẳng định cô Thủy không mắc lỗi về mặt nhận thức như dư luận quy kết mà mắc lỗi nghiệp vụ sư phạm do thiếu kinh nghiệm trongviệc dạy HS lớp 7. Ban giám hiệu Trường Lômônôxốp cho rằng cô Thủy có 3 cái sai.
Thứ nhất, cô tung vấn đề ra mà không chốt lại.
Thứ hai, cô không sửa hết lỗi trong bài làm của HS.
Thứ ba, vào lúc cuối giờ cô nhắc HS về nhà sửa lỗi nhưng không kiểm tra HS có sửa hay không. Với HS lớp 7, việc sửa chữa lỗi cẩn thận, tỉ mỉ là hết sức cần thiết.
Tuy nhiên, thầy Tùng giải thích rằng ngay sau đó cô Thủy được điều động sang dạy lớp khác nên không có điều kiện để kiểm tra HS tự sửa như thế nào. Đã thế, cô lại không bàn giao cụ thể cho giáo viên tiếp nhận lớp 7A10.
Theo thấy Tùng thì cô Thủy cũng chưa thấm nhuần yêu cầu của nhà trường đối với từng giáo viên trong việc dạy học và chấm bài.

Đâu rồi tính nhân văn?
Mặc dù sự cố "canh gà Thọ Xương" đã được Ban giám hiệu Trường Lômônôxốp kết luận khá cụ thể, tuy nhiên, nó vẫn không thể ngay lập tức làm dịu nỗi bức xúc đang ngùn ngụt của dư luận. "Tai nạn nghề nghiệp" của cô Thủy được dư luận nhìn theo nhiều góc độ khác nhau. Không ít người cho rằng cô Thủy thiếu kiến thức chuyên môn, đã thế, trong giải trình còn thiếu trung thực. Có người đặt câu hỏi: Như vậy mà vẫn đứng lớp được sao? Có người bức xúc: Dạy thế này là "giết" cả một thế hệ...
Tệ hại hơn, có người còn mượn sự cố này mô phỏng cho ý tưởng của một GS khả kính rằng nền giáo dục của ta đang đi chệch hướng, rằng phải "thanh tra" lại chất lượng toàn bộ đội ngũ giáo viên.
Trong lúc không ít người thỏa sức ném đá vào cô Thủy thì cô đang trong tình trạng trầm cảm nặng. Thầy Tùng cho biết, đến hôm qua nhà trường mới liên lạc được với cô Thủy vì cô tắt ĐTDĐ không muốn tiếp xúc với bất kỳ ai, kể cả Ban giám hiệu nhà trường.
Khi Công đoàn nhà trường ngỏ ý đến thăm thì gia đình cô Thủy không đồng ý vì muốn giữ cho cô ổn định tâm thần trong thời gian này. Trong lúc dư luận đang ra sức kết án cô giáo trẻ thì trên trang mạng xã hội Facebook, học sinh của cô Thủy đang kêu gọi cùng lên tiếng ủng hộ cô, chia sẻ với cô, thương cô. Người ta rất ngạc nhiên khi sơ suất của một giáo viên trẻ như cô Thủy lại bị thổi phồng rồi "ném đá" đến mức "tàn sát" đến vậy!

Đâu rồi tính nhân văn?
 Trong bối cảnh xã hội còn không ít những hành vi dối gian, ngang nhiên biến đen thành trắng, sai mà không thừa nhận vẫn khư khư giữ cái ghế của mình thì hành động viết đơn xin nghỉ việc của cô Thủy là đáng trân trọng. Liệu "tai nạn nghề nghiệp" của cô giáo Thủy có đáng để dư luận phải công kích đến vậy? Hãy biết rộng lượng với một cô giáo trẻ

Anh Phương (báo GD VÀ TĐ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét