Võ Thị Diệp Sương lớp 8/1 trường THCS Nguyễn Hiền
Thời gian trôi qua, cuộc đời rồi cũng sẽ trải
qua những nốt thăng trầm. Người ta thường nói hình ảnh của một người dẫu có in
đậm trong tim ta đến đâu nhưng rồi cũng theo thời gian mà phai mờ. Thật kì lạ
những điều đó đối với tôi dường như là một nghịch lí. “Ừm! Mà không! Tôi chưa sống
hết một đời người, tôi không thể chứng minh đó là một nghịch lí.” Nhưng chính
những giây phút này đây, khi từng ngày dài trôi qua, hình ảnh ông – người mà
tôi yêu thương nhất vẫn chưa bao giờ phai mờ trong tim tôi.
Nhà của ông tôi nằm trên một vùng đồi cao
trồng điều. Đó là một ngôi nhà nhỏ xinh xắn với một khu vườn nhỏ toàn những chậu
xương rồng. Ông tôi cũng có một ngôi nhà to hơn, khang trang hơn nằm bên vệ đường
nhưng ông lại không về đó sống, mỗi lần tôi hỏi về vấn đề đó thì ông lại bảo
“Ông tuổi cao sức yếu rồi nên muốn sống ở những nơi yên tĩnh, không khí trong
lành để tận hưởng tuổi già”. Nói thì nói vậy thôi chứ bố mẹ tôi thường bảo rằng
ông tôi sống vì con vì cháu. Quả thật đúng vậy, cứ mỗi khi con cháu có việc cần
người giúp là ông lại hăng hái chạy về giúp con, bởi vậy con cháu từ bên nội
sang bên ngoại ai ai cũng quý mến và kính trọng ông. Ông tôi có một khu vườn nhỏ
trồng toàn là xương rồng, tôi vốn không thích cái thứ cây gai góc đó nên cứ mỗi
khi nhìn thấy vẻ mặt chăm chút, khéo léo chăm từng cây của ông là tôi lại khó
chịu. Một hôm, ông gọi tôi ra ngoài vườn bảo: “Cháu có muốn biết tại sao ông lại
thích loài xương rồng này không?” Chưa kịp đợi tôi trả lời, ông lại bảo tiếp
“Cây xương rồng là loài cây có sức sống mãnh liệt nhất, ngang tang nhất. Dù ở tận
nơi sa mạc khô cằn kia nó vẫn sống, sống một cuộc sống mãnh liệt mà không loài
cây nào có thể có được”. Nghe vậy, tôi tò mò nghe ông kể và giải thích về nguồn
gốc và cách trồng cây xương rồng. Cứ như thế, chiều nào tôi cũng ra vườn và
nghe ông kể chuyện, để rồi không biết tự bao giờ mà tôi lại yêu thích cây xương
rồng đến thế. Mãi đến khi ông qua đời, tôi vẫn lo chăm chút cho khu vườn nhỏ của
ông và bây giờ tôi cũng có riêng cho mình một khu vườn nho nhỏ để trồng xương rồng
rồi đấy.”
Tôi yêu ông tôi nhiều lắm! Và đó là sự thật
bởi không chỉ riêng gì cái tình yêu cây xương rồng mà ông truyền cho tôi mà còn
vì ông là người ông tốt nhất trên đời. Vì lúc đó nhà tôi nghèo nên tôi được bố
mẹ gửi đến sống với ông. Những lúc tôi ốm nằm liệt giường, mình ông thức thâu
đêm ngồi bên giường bệnh chăm sóc tôi. Có lúc tôi còn thấy hai hàng mi ông đẫm
cả lệ. Tôi hỏi “Tại sao lúc đó ông lại khóc hả ông?” Ông cười hiền, bảo “Ông
không biết, lúc đó ông lo cho cháu quá nên tự dưng nước mắt cứ chảy ra”. Nghe
những lời đó, tự nhiên tôi thấy yêu ông vô cùng chỉ là những lời nói mộc mạc
nhưng tại sao lại có cảm giác thương đến thế. Tôi ôm chầm lấy ông cảm nhận được
hơi thở ấm áp và từng nhịp tim của ông, tôi thầm cảm ơn ông rất nhiều. Không chỉ
riêng việc đó thôi, tôi còn nhớ như in ngày hôm ấy. Đó là một ngày mưa tầm tã,
vì chủ quan nên tôi không mang theo áo mưa. Ngồi trong lớp mà lòng tôi cứ nôn
nao không biết làm sao để về nhà. Tôi chợt thấy trong cơn mưa kia, bóng hình mờ
nhạt của một người đàn ông. À không, đúng hơn là một ông cụ đội nón đạp từng
vòng, từng vòng xe đạp chậm chạp tiến vào cổng trường. Tôi không dám xác định
ngay đó là ông tôi bởi mưa to thế cơ mà. Nhưng thật ngạc nhiên rằng đó chính là
ông! Nhìn gương mặt ướt đẫm nhưng nụ cười hiền từ vẫn không thiếu trên gương mặt
ông, tôi thấy thương ông biết bao! Đôi bàn chân ông ướt đẫm cùng đôi dép cao su
đã tụt quai, tôi càng đau xót biết bao! Ông đưa cho tôi cái áo mưa, tự dưng nước
mắt tôi lúc đó cứ ào ào chảy ra (vì lúc đó tôi nhỏ con hay mít ướt) tôi ôm chầm
lấy ông, mặc dù ông vẫn mặc áo mưa và người ông ướt đẫm. Ông nhẹ nhàng đẩy tôi
ra bảo “Cháu làm sao thế? Sao lại khóc? Bạn cháu đang nhìn cháu đấy! Người ông
ướt lắm cháu đừng ôm ông”. Và lúc đó… “Con yêu ông nhiều!” Câu nói đó tôi chưa
bao giờ nói với ông, tự nhiên hôm nay lại nói tôi cũng không biết nữa. Nhìn mặt
ông, vẫn nụ cười đó, nụ cười hiền, tôi chợt
nhận ra những nét nhăn nheo trên khuôn mặt ông, hình như tôi đã quá vô
tâm! Mình là một đứa cháu tệ đến vậy sao! Tại sao đến hôm nay tôi mới nhận ra rằng
ông đã già lắm rồi. Cái đầu xuống một giọt nước mắt nữa lại rơi trên má tôi, khẽ
lau nước mắt cho tôi, ông chào tạm biệt tôi rồi ra về. Tôi bảo “Lần sau ông đừng
làm như vậy nữa nhé! Cháu có thể đi với bạn được mà!” Tôi vẫy tay chào ông và đứng
nhìn từng vòng xe chậm chạp của ông ra khỏi trường cho đến khi vào lớp.
Cũng chính vì lần dầm mưa ấy mà ông bị ốm,
nhưng ông lại không nói với ai cả. Trong đêm khuya, tự dưng giật mình dậy tôi
thấy ông ho dữ lắm! Sờ lên trán thấy ông sốt cao. Tôi vội vàng lấy viên thuốc cảm
đã dự bị trước ở nhà cho ông uống, phải tận mấy hôm sau ông mới khỏi. Thảo nào
mấy hôm trước tôi cứ thấy ông hái lá về xông mà chẳng biết tại sao. Ông bảo “Ông không muốn làm con cháu phải phiền
vì căn bệnh cỏn con của ông”. Tôi vội nói “ Căn bệnh cỏn con mà phải tận mấy
ngày liền mới khỏi, lần sau ông không được như vậy nữa nhé! Cháu sẽ giận ông
đó”. Tôi nói bằng giọng điệu “bà cụ non” như ông vẫn hay bảo.
Giờ đây ông đã mãi xa tôi những mồi lần về
lại ngôi nhà nhỏ của ông, mọi kí ức trong tôi lại ùa về. Còn đâu cái dáng lom
khom, gầy guộc của ông khi trồng cây còn đâu nụ cười hiền dịu của ông nữa. Dẫu
biết mọi kí ức rồi sẽ xa về miền quá khứ, nhưng trong tôi hình ảnh ông vẫn mãi
hiện diện. “Ông ơi, cháu sẽ chăm ngoan và học giỏi để khỏi phụ lòng ông, cháu yêu ông nhiều!”.
bài viết hay quá
Trả lờiXóa