3. Cháu muốn đi làm có được không (Chủ đề: Những quy định pháp luật đối với người lao động chưa thành niên).
Tại nhà bác Nam - chủ cơ sở sản xuất mây tre đan, bác Nam và Hùng đang
ngồi nói chuyện.
Nhấp ngụm nước trà, bác Nam hỏi Hùng:
- Sức khỏe mẹ cháu dạo này thế nào?
- Cũng không được khỏe lắm bác ạ - Hùng
trả lời - Bác biết rồi đấy, mẹ cháu bị viêm khớp nặng nên cứ thời tiết thay đổi
là tay chân lại đau nhức.
- Khổ! Cũng chính vì căn bệnh quái ác ấy
mà mẹ cháu mới nghỉ làm ở chỗ bác, chứ hồi còn làm ở đây, mẹ cháu là một trong
những thợ có tay nghề giỏi nhất đấy! Mà cháu gặp bác có việc gì không?
Hùng nhìn bác Nam ngập ngừng:
- Cháu ... cháu muốn xin vào làm việc chỗ
bác được không ạ?
Bác Nam ngạc nhiên nhìn Hùng:
- Thế cháu không muốn đi học nữa hay sao?
Hùng cười, lắc đầu:
- Tại cháu nói chưa rõ nên bác hiểu lầm.
Cháu vẫn đi học chứ. Chả là bây giờ đang nghỉ hè, cháu muốn tìm việc làm để có
thêm tiền phụ giúp cho mẹ. Hoàn cảnh gia đình nhà cháu như thế nào thì bác biết
rồi.
- Mẹ cháu thật có phúc vì có người con
hiếu thảo như cháu. Cháu đang tuổi ăn tuổi chơi mà đã phải... - nén tiếng thở
dài, bác Nam hỏi - Cháu đã nói với mẹ cháu chưa?
- Cháu muốn hỏi ý kiến bác trước rồi mới
nói với mẹ. Nếu cháu được làm ở chỗ bác thì cháu tin mẹ sẽ đồng ý bác ạ - Hùng
trả lời.
Bác Nam im lặng, vẻ ái ngại:
- Để bác xem thế nào đã nhé.
Thấy nét mặt thất vọng của Hùng, bác Nam
vội nói tiếp:
- Không phải bác không muốn nhận cháu vào
làm, nhưng bác phải hỏi thêm mấy chú trên Phòng lao động về việc sử dụng lao
động như các cháu, không khéo lại vi phạm pháp luật!
- Cháu thấy nhiều bạn ở tuổi cháu đã đi
làm rồi, có sao đâu mà bác lại lo là vi phạm pháp luật - Hùng nói.
Bác Nam đang định trả lời Hùng thì có
tiếng gọi ngoài cửa. Đó là cô Mai, người cùng làng. Dựng chiếc xe máy ngoài
sân, cô Mai bước vào nhà.
- Chào anh - Lấy tay xoa đầu Hùng, cô Mai
nói tiếp - Cậu bé này học cùng lớp với con gái em. Cháu nó cứ suốt ngày khen
bạn Hùng học giỏi.
Hùng đỏ mặt, lí nhí: cháu chào cô.
- Trông kìa, con trai mà nhát hơn con gái
- Quay sang bác Nam, cô Mai hỏi - Em đến thế này có làm gián đoạn câu chuyện
của hai bác cháu không?
- Cô nói gì lạ vậy? Cô ngồi chơi, uống
chén nước. Tôi đang khen cháu nó ngoan, không nghỉ hè đi chơi như chúng bạn mà
lại đến xin làm việc để có tiền phụ giúp cho gia đình, nhưng tôi còn đang
ngại... - bác Nam ngập ngừng.
- Anh ngại điều gì? Nếu cơ sở sản xuất của
anh tạo công việc cho các lao động như cháu Hùng thì em nghĩ rất tốt mà - cô
Mai nói.
Bác Nam giãi bày với cô Mai:
- Nhiều lúc nhìn các cháu ở làng mình, do
hoàn cảnh kinh tế gia đình phải ra thị xã hoặc lên thành phố kiếm việc tôi băn
khoăn lắm. Thực ra tôi cũng rất muốn thu hút các cháu vào làm việc ở cơ sở của
mình, nhưng nói thật với cô, tôi ngại điều tiếng lắm, nào là thuê nhân công trẻ
để giảm chi phí, nào là bóc lột sức lao động của trẻ em. Hơn nữa tôi cũng chưa
rõ pháp luật có cho phép các cơ sở như chúng tôi được nhận các lao động ở độ
tuổi 16, 17 không?
- Nếu vì điều đó thì anh không phải ngại -
cô Mai đáp - Pháp luật lao động cho phép các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp được
tuyển lao động chưa thành niên mà.
Bác Nam nhìn cô Mai bật cười:
- Thật đúng là buồn ngủ gặp chiếu manh. Cô
là cán bộ Tư pháp trên huyện thì pháp luật cô cứ gọi là biết rõ như trong lòng
bàn tay.
- Anh cứ nói quá lên (Cô Mai cười) Nào anh hỏi đi, biết đến đâu em
tư vấn đến đấy cho.
- Trước hết cô cho tôi hỏi bao nhiêu tuổi
thì là lao động chưa thành niên. Cháu Hùng đây có trong độ tuổi đó không?
- Theo quy định tại Điều 161 Bộ luật Lao
động năm 2012 thì lao động chưa thành niên là những người lao động dưới 18 tuổi
anh ạ. (cô Mai quay sang Hùng) Còn cháu Hùng đây chắc bằng tuổi con bé nhà cô?
- Dạ, cháu đã bước sang tuổi thứ 16 được
hơn 2 tháng rồi cô ạ - Hùng nhanh nhảu trả lời cô Mai.
- À, thế là cháu đã đủ 15 tuổi, như vậy là
đủ tuổi lao động tối thiểu mà pháp luật quy định cho người lao động để tham gia
vào quan hệ lao động rồi[1].
- Nói như cô thì tôi có thể thuê cháu Hùng
làm việc mà không vi phạm pháp luật phải không? - bác Nam tiếp lời cô Mai.
- Vâng. Cơ sở sản xuất của anh thuộc ngành
nghề được phép sử dụng lao động chưa thành niên. Còn đối với những công việc
nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc chỗ làm việc, công việc ảnh hưởng xấu tới
nhân cách của người chưa thành niên thì pháp luật cấm sử dụng họ. Pháp luật lao
động còn quy định rõ: không được sử dụng người chưa thành niên sản xuất và kinh
doanh cồn, rượu, bia, thuốc lá, chất tác động đến tinh thần và các chất gây
nghiện khác[2].
Với tay lấy cái phích đổ thêm nước vào ấm
trà, bác Nam nói:
- Đúng là phải quy định như vậy cô ạ, như
thế thì mới đảm bảo cho sự phát triển về
thể lực, trí lực, nhân cách của các cháu. Vậy các cơ sở sản
xuất như chúng tôi có được tuyển lao động dưới 15 tuổi không cô? Nhiều
khi nhìn các cháu còn nhỏ tuổi đã phải bỏ học để kiểm sống, tôi thấy đau lòng.
Uống chén nước chè bác Nam vừa rót, cô Mai
thở dài:
- Không ai muốn các cháu đang ở độ tuổi
chưa thành niên hay độ tuổi trẻ em phải làm việc cả, nhưng do điều kiện kinh tế
khó khăn, nhiều gia đình nghèo vẫn phải cho con em mình đi làm. Thực tế khoản
tiền mà các cháu kiếm được cũng giải quyết phần nào cuộc sống của gia đình -
nhìn bác Nam, cô Mai nói tiếp - Pháp luật cho phép một số ngành nghề được nhận
người lao động từ đủ 13 tuổi đến dưới 15 tuổi làm các công việc nhẹ anh ạ.
Thường thì đó là các nghề như nghệ thuật, thể thao, các nghề truyền thống, thủ
công mỹ nghệ. Danh mục cụ thể do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quy định[3].
- Thế thì xưởng sản xuất mây tre đan của
tôi thuộc nghề thủ công mỹ nghệ, như vậy là được phép sử dụng lao động dưới 15
tuổi, phải không cô?
- Vâng - cô Mai trả lời - Nhưng anh lưu ý,
do lao động trong độ tuổi này còn non nớt về nhận thức nên pháp luật quy định
hợp đồng lao động phải được lập thành văn bản và phải ký với cha mẹ hoặc người
đại diện theo pháp luật của các cháu và đương nhiên cũng phải xuất phát từ mong
muốn làm việc của các cháu; ngoài ra giờ làm việc cũng phải bố trí để không ảnh
hưởng đến giờ học tại trường học của trẻ em; rồi cũng phải bảo đảm điều kiện
làm việc, an toàn lao động, vệ sinh lao động phù hợp với lứa tuổi các cháu[4].
- Nghe cô nói tôi càng nung nấu ý định về
việc thu hút lao động chưa thành niên, lao động trẻ em vào làm việc ở cơ sở sản
xuất của mình. Như vậy tôi vừa giúp các cháu có công việc, có thu nhập chính
đáng lại vừa có điều kiện dạy nghề, truyền nghề cho các cháu, góp phần phát
triển nghề thủ công nổi tiếng của làng ta.
- Em rất ủng hộ ý định của anh. Anh nên
trao đổi thêm với các anh ở Ủy ban xã hoặc trên Phòng lao động để các anh ấy
cho thêm ý kiến.
- Cô nói đúng, tôi sẽ gặp các anh ấy. À,
cô cho tôi hỏi thêm, vậy người sử dụng lao động khi tuyển lao động chưa thành
niên vào làm việc thì phải tuân theo những quy định nào, có khác gì so với khi
sử dụng lao động thông thường không?
- Có anh ạ. Do nhóm lao động này chưa phát
triển đầy đủ về thể lực, nhận thức, thường yếu thế hơn so với những lao động
thông thường nên pháp luật lao động yêu cầu người sử dụng lao động chỉ được sử
dụng lao động chưa thành niên vào những công việc phù hợp với sức khỏe và có
trách nhiệm quan tâm chăm sóc người lao động chưa thành niên về các mặt lao
động, tiền lương, sức khỏe, học tập trong quá trình lao động. Thời giờ làm
việc của lao động chưa thành niên cũng khác so với lao động thông thường, đó là
không quá 8 giờ trong một ngày và 40 giờ trong một tuần[5]. Ngoài ra còn một số quy định cụ thể
khác. Thôi, mai em đi làm qua, em đưa anh Bộ luật lao động vừa mới được ban
hành năm 2012, anh đọc để biết rõ hơn.
- Ừ, thế thì tốt quá, cô mang qua cho tôi
xem.
Bác Nam quay sang Hùng định nói thì thấy
vẻ mặt của Hùng, bác bật cười:
- Từ nãy đến giờ bỏ quên cậu này. Nghe bác
và cô nói chuyện chán quá hay sao mà mặt cứ nghệt ra thế?
- Tại hay quá đấy bác ạ! Cứ như cháu đang
được học giờ giáo dục công dân ấy, mà đây lại là những kiến thức về pháp luật
lao động liên quan tới những người ở độ tuổi cháu. Cô Mai giải thích hay và dễ
hiểu như cô giáo cháu ấy!
Cô Mai cười:
- Thế mà lúc đầu cô cứ tưởng cháu ít nói cơ
đấy!
- Mai cháu có thể đến chỗ bác làm luôn được
không, bác Nam? - Hùng hớn hở hỏi.
- Làm gì mà vội thế! Để bác qua nhà nói
chuyện với mẹ cháu xem ý mẹ cháu thế nào đã - bác Nam trả lời.
- Bác Nam nói đúng đấy Hùng ạ - quay sang bác
Nam, cô Mai nói tiếp - Pháp luật lao động quy định khi người sử dụng lao động
nhận những lao động ở độ tuổi như cháu Hùng vào làm việc, tức là từ đủ 15 tuổi
đến dưới 18 tuổi thì phải được sự đồng ý của cha mẹ hoặc người đại diện theo
pháp luật của các cháu.
- Tí nữa về nhà cháu sẽ nói với mẹ cháu ngay.
Nếu bác bận, thì mai cháu đưa mẹ cháu tới, được không bác? - Hùng hỏi, ánh mắt
nhìn bác Nam thúc giục.
Cả bác Nam và cô Mai cùng bật cười vì điệu bộ
của Hùng. Bác Nam gật đầu:
- Đến chịu với cậu này! Thôi, được rồi. Đằng
nào tối nay bác cũng họp Hội cựu chiến binh, bác sẽ qua gặp mẹ cháu một lúc
trước khi đi họp.
- Tuy hai bác cháu là chỗ thân tình, nhưng
trong trường hợp cháu Hùng được mẹ đồng ý cho đi làm thì cũng như khi tuyển các
lao động thông thường khác, anh nhớ phải ký hợp đồng lao động với cháu Hùng -
cô Mai nhẹ nhàng nói.
- Cô ơi, cháu chỉ làm chỗ bác Nam trong mấy
tháng hè thôi thì có phải ký hợp đồng không ạ?- Hùng hỏi.
- Nếu chỉ làm có tính chất tạm thời mà thời
hạn dưới ba tháng thì anh và cháu có thể không cần làm hợp đồng bằng văn bản
nhưng vẫn phải thỏa thuận cụ thể với nhau về công việc, mức tiền công, thời
gian làm việc theo đúng các quy định của pháp luật lao động[6].
- Cô yên tâm. À! mà mải nói chuyện, không hỏi
xem cô qua tôi có việc gì?
Cô Mai cười:
- Em thế đấy, cứ nói đến pháp luật là quan
tâm ngay, quên luôn các chuyện khác. Bệnh nghề nghiệp mà anh! Em qua đây muốn
lấy một số mẫu hàng để gửi vào trong thành phố Hồ Chí Minh cho chị con bác em.
Chả là chị ấy mới mở cửa hàng bán đồ thủ công, mỹ nghệ nên muốn có một số mặt
hàng truyền thống của quê mình. Nếu bán được, chị ấy sẽ liên hệ với anh để trao
đổi trực tiếp.
Bác Nam hồ hởi:
- Gì chứ cái đó thì có ngay. Thôi, cô cứ để
xe ở đây, tôi với cô (quaysang Hùng) và cả cháu Hùng nữa cùng sang tham quan xưởng sản xuất của tôi.
Bên đó nhiều mẫu hàng hơn để cô lựa chọn.
Cả
ba người vui vẻ bước ra. Nắng chiều đã nhuộm vàng cánh đồng lúa xa
xa.
[1] Khoản 1 Điều 3 Bộ luật Lao động
năm 2012.
[2] Khoản 1, 4 Điều 163 Bộ luật Lao
động năm 2012.
[3] Khoản 1 Điều 164 Bộ luật Lao
động năm 2012.
[4] Khoản 2 Điều 164 Bộ luật Lao động năm 2012.
[5] Khoản 2 Điều 163 Bộ luật Lao
động năm 2012.
[6] Khoản 2 Điều 16 Bộ luật Lao động năm
2012.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét