Thứ Ba, 28 tháng 8, 2012

45/ THẦY GIÁO TÔI



  (Kính tặng thầy Đặng Văn Thông)

  Trần Thị Chiêm (Phòng giáo dục huyện Phú Ninh)

 Ngày đó,... tôi là thế hệ học trò nhỏ nhất có mặt trong buổi gặp mặt các thầy cô giáo đi B và công tác trong thời kháng chiến. Đến dự tôi mang trong lòng nhiều niềm vui khó tả. Tôi mong sẽ gặp được ai cùng lứa tuổi với mình nhưng không cả hội trường toàn là những thầy cô giáo đã về hưu. Vừa ngồi xuống hàng ghế đầu tiên dành cho đại biểu Phòng GD&ĐT các huyện và thành phố, tôi nghe hàng ghế sau có tiếng nói của ai đó rất thân quen, tiếng nói này tôi đã nghe từ rất lâu rồi, tôi bất chợt nhìn lại phía sau thì ra đó là tiếng nói của thầy giáo Thông. Đúng là thầy Thông rồi! Đúng cái sống mũi cao và thẳng. Đôi mắt sáng cương nghị dưới hàng chân mày rậm. Lẫn đi đâu được cái nốt ruồi ở chân mày trái! Bây giờ trông thầy ốm đi nhiều quá. Mà đã mười mấy năm rồi còn gì!
Thầy Thông đã dạy tôi hồi lớp 5. Trường học ngày ấy là một cái nhà đội. Nhà đội là nhà để các xã viên trong hợp tác xã hội họp. Ngày đó trường cấp I tôi học có nhiều địa điểm học khác nhau, thôn tôi ở không gần cơ sở chính mà chỉ mượn tạm nhà đội cho học sinh học. Bàn ghế là những miếng tre ghép lại với nhau mặt bàn không bằng phẳng nên kê vở viết bài rất khó. Một đứa làm rung thì cả bàn không tài nào viết được. Khó thế mà chữ đứa nào xấu thì thầy rèn đến khi nào đẹp mới thôi. Do vậy chữ của học trò thầy dạy luôn đều và đẹp lắm.
Khi mùa mưa đến mái lá dột ướt sũng. Bọn tôi phải ngồi dồn lại học để tránh chỗ mưa. Phên tre trống hoác lại càng trống thêm khi gió dông cứ lật từng hồi. Thấy vậy thầy vận động phụ huynh học sinh mỗi người một tấm tranh và một cây tre. Tre chưa đủ nên cứ thứ năm và chủ nhật thầy vào rừng chặt thêm tre về làm trường. Mỗi học sinh đem một bó rơm khô. Thầy trò cùng đào đất trộn hồ trét lại vách. Vách đất kín. Mấy cửa sổ lò thò rơm khô lớp học không được sáng như trước nhưng kín gió và ấm lạ kỳ.
Có hôm tôi bị cảm lạnh. Chiều tối trời lại mưa to, gió dữ. Nước lại ngập đồng. Quê tôi ở vùng ven sông Thu Bồn, hằng năm phải chịu cảnh lũ lụt triền miên. Đường về nhà tôi lại xa. Đường về nhà thầy cũng vậy. Tôi ở thôn Thanh Châu còn nhà thầy ở thôn Tân Phong. Trường học ở giữa nên thầy và tôi ngược đường nhau.
Học sinh lúc ấy thường bỏ học để chăn trâu, chăn bò hay giữ em phụ giúp gia đình, có đứa vào thành phố Hồ Chí Minh dệt, may...Biết được điều đó thầy chia bọn tôi học tổ, học nhóm. Thỉnh thoảng thầy đi đến từng nhóm để kiểm tra, luôn thể thầy thăm hỏi từng nhà học sinh. Nhiệt tình của thầy và sự ham học của học sinh khiến không phụ huynh nào lại nỡ cho con em mình bỏ học.
Vào vụ mùa, tôi thường nghỉ học vài hôm để phụ giúp cho cha mẹ. Ngày đó gia đình tôi rất nghèo, phải trồng dâu nuôi tằm, công việc nhà nông rất bận, do đó tôi thường nghỉ học để hái dâu, gieo đậu, tỉa bắp...Biết được điều đó, thầy tới nhà tôi nói chuyện với cha mẹ tôi. Những lúc như thế tôi thường trốn trong buồng, khi nào thầy gọi tôi mới dám bước ra chào thầy. Tôi sợ vì nghỉ học không thông báo cho thầy biết. Cha mẹ tôi xin lỗi thầy vì đã để tôi nghỉ học. Cả nhà tôi mời thầy ở lại dùng cơm tối, chỉ có sắn và khoai luộc.
Thời kỳ ấy lương giáo viên của thầy rất thấp không đủ chi phí cho bản thân nhưng thầy luôn luôn giúp đỡ những học sinh nghèo khó như tôi, thầy thường mua sách tham khảo tặng bọn tôi để học bồi dưỡng. Tôi là lớp trưởng nên thầy luôn nhắc nhở tôi phải làm gương cho các bạn noi theo. Dù khó khăn đến mấy cũng phải học, đây cũng là ước nguyện của cha tôi khi còn sống. Cha bảo: Cuộc đời cha đã vất vả trong chiến tranh, không được học hành đến nơi đến chốn, nên cha mong các con cố gắng học tốt để giúp ích cho đời. Ngoài ra, thầy còn giúp đỡ gia đình các bạn vài cân gạo, một số quần áo, sách vở để các bọn đến trường. Trong khi đó thầy còn cha mẹ già kia mà! Những việc làm của thầy đã giúp chúng tôi có nhiều động lực trong việc học tập sau này...Năm sau tôi không còn học thầy nữa nhưng thầy vẫn mượn sách tham khảo cho tôi học. Thầy còn sắp xếp thời gian để bồi dưỡng bọn tôi một buổi trên tuần. Khi bọn tôi đi thi học sinh giỏi huyện thì thầy mượn đâu một chiếc xe đạp để chở tôi và Bông đi. Ngày đó trường thi ở trung tâm huyện cách nhà của tôi hơn 12km. Thầy trò tôi đi rất sớm! Tôi ngồi yên sau còn Bông phải ngồi trên cây ngang sườn xe trời lại mưa đường mới sửa. Đất cứ dính bết vào bánh xe. Đi được một đoạn thì thầy trò tôi dừng lại để cạy đất bám trên vè xe rồi mới đi tiếp được. Chúng tôi đến trường thi thì đã trễ lắm rồi. Khi nhảy xuống xe tôi mới biết mình đánh rơi một chiếc dép nhựa. Đi sớm đường lại xa, ngồi sau xe nên chân tê cứng, tôi không hay dép mình bị rơi tự lúc nào. Gấp quá, thầy đưa đôi dép của thầy cho tôi mang và hối tôi chạy vào trường thi kẻo trễ giờ. Thầy dắt chiếc xe đầy bùn đất đi theo sau. Chân tôi bé xíu làm sao mang vừa đôi dép của thầy! Tôi cầm đôi dép của thầy chạy.
Suốt buổi thi thầy ngồi ngoài cổng trường chờ chúng tôi. Thầy đã mua cho tôi đôi dép mới thật là xinh. Khi bọn tôi ra là thầy lao tới hỏi. Tôi chỉ làm được môn tiếng Việt, còn Bông thì chỉ làm được môn Toán, bọn tôi rất buồn những giọt nước mắt sắp rơi trên má. Thấy vậy, thầy an ủi và động viên chúng tôi đừng buồn rồi thầy dắt bọn tôi đi ăn trưa. Tôi rất đói. Thầy gắp thức ăn bỏ hết cho chúng tôi. Thầy nhìn bọn tôi ăn một cách trìu mến. Chưa bao giờ tôi thấy ngon đến thế. Có lẽ đó là bữa ăn ngon nhất trong đời tôi!
Bây giờ nhìn thấy thầy. Hình ảnh thầy ngày xưa lại hiện về. Bóng dáng và tâm hồn cao cả của thầy luôn theo mãi tôi trong suốt chặng đường dài làm tôi vững tâm khi gặp khó khăn, thử thách. Tôi rất tự hào, hạnh phúc và thầm cảm ơn vì đã có một người thầy như thế! Bây giờ đứa học trò nhỏ năm xưa của thầy đã nối tiếp con đường mà thầy đã chọn.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét