Thứ Bảy, 4 tháng 8, 2012

15/ TÌNH CON THIẾT THA, CHÁY BỎNG TRONG NIỀM TIN YÊU, HẠNH PHÚC



                     Con dù lớn vẫn là con của mẹ
                 Đi suốt đời lòng mẹ vẫn theo con.
                                 ( Con cò - Chế Lan Viên )
        Vâng! Tình yêu thương của người mẹ thật bao la ,sâu sắc, bền vững . Nguyên Hồng là một nhà văn đã từng trải qua thời tuổi thơ cay đắng, bất hạnh. Nhưng chính trong quãng đời đầy đau khổ ấy, tình mẹ ấm áp đã đem đến trong trái tim trẻ thơ những phút giây ngọt ngào, êm dịu nhất. Và thời gian đã không làm phai mờ những kí ức . Những ngày thơ ấu là một hồi kí xuất sắc của Nguyên Hồng đã ghi lại một cách chân thực “Những rung động cực điểm của một linh hồn trẻ thơ” (Thạch Lam). Đọc đoạn trích Trong lòng mẹ (chương IV), từ trong nỗi đau xót, thương cảm tacảm nhận được tình mẫu tử thiêng liêng, kì diệu. Và đặc biệt là Tình con thiết tha, cháy bỏng với niềm tin và hạnh phúc trong tâm hồn một trẻ thơ chịu nhiều bất hạnh.
          Đoạn trích là hồi ức đan xen cay đắng ngọt ngào của chính nhà văn-một phần đời tủi nhục đầy nước mắt mà đầy ắp tình yêu thương trong tâm hồn bé bỏng . Bé Hồng sinh ra trong một gia đình không có hạnh phúc. Người cha nghiện ngập rồi chết mòn bên bàn đèn thuốc phiện, người mẹ cùng túng phải đi tha phương cầu thực. Mới mười hai tuổi đầu phải mồ côi bố, xa mẹ, Hồng sống trong cảnh hắt hủi,ghẻ lạnh của chính những người trong họ hàng, phải đối mặt với bà cô cay nghiệt luôn luôn tươi cười mà lòng dạ đầy nham hiểm. Câu chuyện đã được thuật lại bằng tất cả nỗi niềm đau thắt vì kí ức hãi hùng và kinh khiếp của tuổi thơ tác giả.

         Một tuổi thơ đầy bất hạnh - tưởng như tâm hồn chú trở nên chai sạn, khô cằn. Nhưng không ! Trái tim dạt dào yêu thương của cậu vẫn như một cây đàn luôn ngân vang những âm thanh huyền diệu lay động đến tận nơi sâu thẳm nhất của lòng người. Tình yêu thương mẹ vẫn thiết tha, mãnh liệt đến diệu kì !
        Trước khi gặp mẹ, nếu chỉ nhìn vào bề ngoài cuộc sống của Hồng, có thể nghĩ cậu bé ấy vẫn còn may mắn hơn bao đứa trẻ lang thang vì cậu còn có một mái nhà và những người ruột thịt để nương tựa khi cha mất, mẹ bỏ đi. Nhưng liệu có thể gọi là gia đình không khi chính những người thân - mà đại diện là bà cô ruột lại muốn gieo rắc lòng thù hận,nghi kị cho đứa con với chính mẹ ruột của mình. Bà khơi chuyện, nhắc đến mẹ bé Hồng với ý đồ xấu. Tình yêu dành cho mẹ giúp Hồng đủ thông minh, nhạy cảm nhận ra ý nghĩa cay độc trong giọng nói và trên nét mặt cười rất kịch của bà cô. Bà muốn gieo rắc vào đầu óc Hồng những hoài nghi để cậu khinh miệt và ruồng rẫy mẹ mình . “Nhưng đời nào lòng thương yêu và kính mến mẹ tôi lại bị những rắp tâm tanh bẩn xâm phạm đến”. Trong tự sâu thẳm của tâm hồn bé Hồng, niềm tin yêu mẹ không một tác nhân nào có thể làm thay đổi.
        Trong một năm ròng, mẹ ở nơi xa, mới mười hai tuổi đầu phải chịu đựng bao nỗi đắng cay... Lại không được mẹ gửi cho dù chỉ là một lá thư, một lời nhắn thăm, một đồng quà. Còn nỗi đau nào hơn? Trong cái ý nghĩ non nớt, nông cạn, những đứa trẻ khác có thể rất ghét mẹ,không trông mong gì ở mẹ. Nhưng với Hồng,lòng thương nhớ mẹ vẫn luôn ắp đầy trong tim. Cậu vẫn tin: mẹ sẽ trở về. Bà cô vẫn không từ bỏ ý định mỉa mai, nhục mạ mẹ bé Hồng. Bà bảo là mẹ cậu “phát tài”, cậu hãy vào thăm “em bé”. Vết thương lòng con trẻ lại bị chính cô ruột săm soi, hành hạ. Hồng vô cùng đau đớn và không kìm nén nổi “nước mắt ròng ròng chảy  xuống hai bên mép rồi chan hòa đầm đìa ở cằm và ở cổ”.Bà cô làm sao biết được đó là những giọt nước mắt đầy yêu thương, cảm thông... mà Hồng dành cho người mẹ chịu nhiều nỗi khổ.
         Nỗi đau càng quặn thắt đến tột cùng khi bà cô không giấu vẻ mặt thích thú khi nói về nỗi túng quẩn, dáng vẻ gầy guộc, rách rưới của mẹ Hồng .Tình yêu thương biến thành lòng căm giận, Hồng muốn vùng lên đạp đổ tất cả những gì đã làm khổ nhục mẹ mình: “Giá những cổ tục đã đày đọa mẹ tôi là một vật như hòn đá hay cục thủy tinh, đầu mẫu gỗ tôi quyết vồ ngay lấy mà cắn, mà nhai mà nghiến cho kỳ nát vụn mới thôi”. Đó là phản ứng tâm lý mạnh mẽ vốn tiềm tàng, kết tụ từ trái tim nhạy cảm mà cứng cỏi, dạt dào tình yêu mẹ.
        Những thành kiến cổ hũ, sự nhục mạ của bà cô, sự cách trở về thời gian, không gian chỉ làm nhân lên lòng thương yêu, nỗi nhớ, niềm tin trong lòng bé Hồng. Đúng là: Mẹ chỉ có một trên đời, tình mẹ con không gì có thể chia cắt.                
        Tình yêu thương mẹ vốn thiết tha càng trở nên nồng cháy trong niềm hạnh phúc ngập tràn  đã được Nguyên Hồng kể lại thật xúc động trong lần gặp mẹ ngày nào .
        Chợt thấy bóng người ngồi trên xe kéo giống mẹ, Hồng đã nhận ra mẹ. Một phản ứng thật tự nhiên, cậu liền đuổi theo, gọi bối rối:
       - Mợ ơi ! Mợ ơi ! Mợ ơi !
        Tiếng gọi tận sâu thẳm đáy lòng thốt ra nghẹn ngào như tiếng nấc. Nhưng rồi sau đó, Hồng hồi hộp, lo âu ,sợ mình nhận nhầm mẹ. “Cái lầm đó không những làm  tôi thẹn mà còn tủi cực nữa, khác gì cái ảo ảnh của một dòng nước trong suốt chảy dưới bóng râm đã hiện ra trước con mắt gần rạn nứt của người bộ hành ngã gục giữa sa mạc.” Tất cả sẽ sụp đổ, một nỗi tuyệt vọng tột cùng nếu người đó không phải là mẹ. Cách so sánh thật đặc sắc đã diễn tả đầy đủ, ấn tượng nỗi khát khao cháy bỏng, mãnh liệt tình mẹ trong tâm hồn một đứa trẻ. Linh cảm và tình yêu dành cho mẹ đã không đánh lừa cậu. Hồng được sà vào lòng mẹ rồi khóc nức nở như chưa bao giờ được khóc. Cứng cỏi, mạnh mẽ trước bà cô bởi vì lòng thương mẹ. Và yếu đuối, bé bỏng như thế cũng bởi vì quá nhớ thương mẹ. Khóc để yêu  thương, khóc để dỗi hờn, khóc cũng là để được nũng nịu với mẹ, mong được mẹ hiền chở che, yêu thương, an ủi...
         Có thể những nỗi nhọc nhằn, khổ đau đã hằn sâu trên gương mặt, dáng hình tiều tụy của mẹ. Nhưng với Hồng, mẹ vẫn tươi đẹp gần gũi, trìu mến biết bao. “Gương mặt mẹ tôi vẫn tươi sáng với đôi mắt trong và nước da mịn làm nổi bật màu hồng của hai gò má”... “Hơi quần áo mẹ tôi và những hơi thở ở khuôn miệng xinh xắn nhai trầu phả ra lúc đó thơm tho lạ thường”. Trong vòng tay mẹ cậu hồn nhiên, trong trẻo và nũng nịu như một em bé nhỏ “Tôi ngồi trên đệm xe đùi áp đùi mẹ tôi, đầu ngã vào cánh tay mẹ tôi,tôi thấy những cảm giác ấm áp đã bao lâu mất đi bỗng lại mơn man khắp da thịt”. Dường như tất cả các giác quan của cậu đều căng ra để đón nhận hình ảnh người mẹ, để say sưa tận hưởng niềm hạnh phúc được về với mẹ.
        Rạo rực, bồng bềnh trong dòng cảm xúc miên man, Hồng không mảy may nghĩ ngợi gì nữa.  Nguyên Hồng diễn tả niềm hạnh phúc tràn trề trong tâm hồn trẻ thơ khi được sống trong tình mẹ ngọt ngào một cách sâu sắc, tinh tế “Phải bé lại và lăn vào lòng một người mẹ, áp mặt vào bầu sữa nóngcủa người mẹ để bàn tay mẹ vuốt ve từ trán xuống cằm và gãi rôm ở sống lưng cho mới thấy người  mẹ có một êm dịu vô cùng”. Còn người mẹ chịu nhiều đau khổ, nhất là phải xa con, giờ đây được ôm trọn cái sinh linh bé nhỏ vào lòng. Nhà văn đã để cho người mẹ đáng thương ấy im lặng -im lặng mà ứa trào bao khát vọng, yêu thương.
        Tình mẹ dịu êm, và nhất là tình con cháy bỏng, thiết tha vốn thường trực, ấp ủ trong lòng giờ đây mới có dịp bừng nở, hồi sinh. Một thế giới dịu dàng và ăm ắp tình mẫu tử. Một thứ tình cảm thiêng liêng, kì diệu biết bao! Tình cảm ấy giúp cho một đứa trẻ biết vươn lên từ những đắng cay, bất hạnh, biết nhận ra lẽ phải trái trong cuộc đời, biết sống tin yêu, nhân ái, bao dung... Đó là nguồn hạnh phúc vô biên mà trái tim trẻ thơ biết đón nhận, nâng niu.
          Cảm ơn Nguyên Hồng bởi những trang văn ấm áp tình mẫu tử cho ta hiểu sâu hơn về tấm lòng nhân ái, thái độ trân trọng với vẻ đẹp của con người đặc biệt là vẻ đẹp của tình yêu mẹ trong tâm hồn trẻ thơ.Gấp trang sách lại mà lòng em vẫn còn vẹn nguyên niềm xúc cảm sâu xa. Tình yêu thương mẹ thiết tha, cháy bỏng, mà kì diệu mãi lan tỏa trong tâm hồn. Hạnh phúc biết bao khi ta được sống trong vòng tay yêu thương của mẹ. Ta được sẻ chia với tất cả những ai không còn mẹ. Ôi ! tình mẹ mãi mãi là khúc hát ru ngọt ngào cho mỗi chúng ta đến trọn cuộc đời, đúng như lời thơ  Nguyễn Duy
                                 Ta đi  trọn kiếp con người
                        Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru.
                               ( Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa...- Nguyễn Duy)
                      Nguyễn Thị Bích Trâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét