Thứ Bảy, 4 tháng 8, 2012

14/ SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM: ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN NHẰM TÍCH CỰC HÓA GIỜ DẠY TIẾNG VIỆT (THCS)

   Bài đã đăng rút gọn trên Tập Sách -Thư viện &  thiết bị  Giáo dục  của Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam tháng 5/2014


   I/ ĐỀ TÀI :ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN NHẰM TÍCH CỰC HÓA GIỜ DẠY-HỌC TIẾNG VIỆT (THCS).      
   II/ ĐẶT VẤN ĐỀ :
         1/ TẦM QUAN TRỌNG CỦA VẤN ĐỀ:      
            Trong thời kỳ đổi mới đất nước, nguồn lực con người có vai trò hết sức quan trọng. Chính vì vậy, việc nâng cao giáo dục toàn diện, đào tạo những con người phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, năng lực ứng dụng sáng tạo là vấn đề cấp bách. Công cuộc đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực hóa hoạt động của người dạy học là nhiệm vụ, là trách nhiệm của toàn ngành, của từng nhà trường, của mỗi giáo viên …
            Ngày nay trước sự đổi mới về phương pháp dạy học, ứng dụng CNTT  vào dạy học là một việc làm cần thiết nhằm phát huy tính tích cực sáng tạo của học sinh để nâng cao chất lượng giáo dục và làm cho học sinh yêu thích môn học hơn. Và bộ môn Ngữ văn, một trong những môn học “bén duyên” không  sớm  nhưng với các giờ dạy - học sử dụng bài giảng điện tử đã chứng minh được sự hiệu quả và hữu ích.
            Mặt khác, với tinh thần quan điểm dạy học mới hướng tới mục tiêu giáo dục toàn diện và chủ đề năm học là Ứng dụng CNTT nâng cao chất lượng dạy học. Đó là nội dung quan trọng trong quá trình dạy học vì nó có tác dụng tích cực hoá các hoạt động của học sinh làm cho các em hưng phấn trong việc lĩnh hội các tri thức ở bộ môn Ngữ văn nói chung và ở phân môn Tiếng Việt nói riêng. Qua hơn 2 năm dần thực hiện soạn giảng bài giảng điện tử ứng dụng CNTT, bản thân tôi đã đúc kết thành đề tài ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN NHẰM TÍCH CỰC HÓA GIỜ DẠY - HỌC TIẾNG VIỆT    
        
          2 /THỰC TRẠNG LIÊN QUAN ĐẾN VẤN ĐỀ :
a) Thuận lợi :
            Công nghệ thông tin trên đà  phát triển. Phần mềm hỗ trợ giảng dạy rất đa dạng: Microsoft PowerPoint và Violet. Tư liệu phục vụ phong phú đa dạng: Internet, các phương tiện thông tin đại chúng.
            Được sự chỉ đạo sâu sát về công tác chuyên môn của phòng giáo dục huyện Phú Ninh, năm học 2009-2010 các hoạt động chuyên môn về sử dụng công nghệ thông tin trong trong dạy-học đã được triển khai và thực thi sâu rộng ở tất cả các trường, các cụm và tập trung trong tiết dạy chuyên đề của phòng, trong hội thi ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học.
            Ban giám hiệu nhà trường đã có sự chỉ đạo, quan tâm sâu sát đầu tư ban đầu đúng mức cho việc thực hiện soạn giảng bằng giáo án điện tử.
b) Khó khăn :
            Điều kiện cơ sở vật chất trang bị cho việc ứng dụng công nghệ thông tin còn ở trong sự ràng buộc vì cơ sở vặt chất nhà trường còn thiếu thốn (thiếu phòng chức năng). Khả năng khai thác và sử dụng của đa số giáo viên trong tổ và bản thân còn hạn chế. Bước đầu, khả năng tập trung vào bài giảng của học sinh bị phân tán (hình ảnh, âm thanh, …)

          3/ LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI
       Qua nhiều năm thực hiện chương trình thay sách giáo khoa Ngữ văn theo tư tưởng tích cực hoá hoạt động học tập của học sinh đã đặt ra nhiệm vụ cấp thiết là phải đổi mới phương pháp dạy và học. Để đổi mới phương pháp dạy học Văn, người thầy không chỉ nghiên cứu, học tập chuyên môn, tự nâng cao trình độ kiến thức của mình, mà còn phải biết sử dụng đồ dùng dạy học đặc biệt là các phương tiện dạy học hiện đại ứng dụng vào bài giảng để mang lại hiệu quả.   
            Trong điều kiện thuận lợi có sự quan tâm đầu tư của nhà trường về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học: sắm dàn máy vi tính nối mạng cho giáo viên truy cập internet, mua sắm băng đĩa phục vụ cho dạy học bộ môn. Với sự chú trọng đầu tư về chuyên mộn cho việc soạn giảng bằng giáo án điện tử, tôi nhận thấy: việc Sử dụng công nghệ thông tin là cần thiết để tích cực hóa giờ dạy - học tiếng Việt. Trong quá trình giảng dạy  tôi đã có sự  tìm tòi, học hỏi và vận dụng và đã thấy được hiệu quả. Từ đó,  tôi rút ra được những vấn đề mang tính kinh nghiệm và cũng là gợi ý để tham khảo.
          4/ GIỚI HẠN NGHIÊN CỨU CỦA ĐỀ TÀI:
            Trong năm học 2008-2009, tôi đã có nhiều cố gắng trong soạn giảng bằng giáo án điện tử tôi nhận thấy ứng dụng công nghệ thông tin vào việc dạy học tiếng Việt rất thành công nhờ sự hỗ trợ của các phương tiện kĩ thuật: dùng hình ảnh, video, âm thanh và tổ chức các trò chơi ...
            Quá trình giảng dạy ở môn Ngữ văn 9, vừa tiếp thu học hỏi, vừa thâm nhập thực tế qua những giờ lên lớp,  tôi  học hỏi đồng nghiệp, nghiên cứu tìm biện pháp, luôn có ý thức ứng dụng hợp lí để tạo sự hưng phấn cho học sinh. Từ đó, tôi đúc kết kinh nghiệm và trong điều kiện cho phép xin được trình bày về đề tài: ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN NHẰM TÍCH CỰC HÓA GIỜ DẠY - HỌC TIẾNG VIỆT   
   III/  CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA ĐỀ TÀI
            Hiện nay khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển, tốc độ phát triển về khoa học công nghệ diễn ra nhanh chóng, công nghệ thông tin có tính ứng dụng rộng lớn trong tất cả các mặt đời sống của con người hiện nay. Trước yêu cầu ngày càng cao của xã hội, ngành giáo dục đã có những chủ trương lớn trong việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa, đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới trong kiểm tra đánh giá, đổi mới trang thiết bị dạy học, trang bị cho giáo viên và học sinh nhiều đồ dùng thiết thực hiện đại, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho việc dạy của thầy và học của trò. Trong những phương tiện dạy học hiện nay không thể không kể đến máy vi tính với những phần mềm ứng dụng phong phú đa dạng kết hợp với máy chiếu đa năng projector.
            Dạy-học Tiếng Việt  không chỉ chú trọng dạy cái gì mà dạy như thế nào. Quan điểm tích hợp và tích cực luôn chi phối các hoạt động dạy học, nhất là ở phần dạy-học các kĩ năng làm nghe nói đọc viết Tiếng Việt. Một tiết dạy-học Ngữ văn đạt hiệu quả trước hết phải tạo nên không khí hứng thú cho mỗi giờ học. Không khí đó chỉ có được khi người dạy biết đa dạng hóa các hình thức, biện pháp dạy học, đặc biệt là vận dụng công nghệ thông tin vào quá trình giảng dạy. Vì vậy ứng dụng công nghệ thông tin vào tiết học tiếng Việt là biện pháp
tin tốt không những sẽ giúp cho giờ dạy ôn tập chuyển tải hết các đơn vị kiến thức, thực hành, ôn tập kĩ lưỡng mà còn qua các trò chơi thu hút, hấp dẫn, lôi cuốn học sinh góp phần làm cho giờ học nhẹ nhàng, thoải mái học sinh khắc sâu kiến thức, rèn luyện óc tư duy sáng tạo.                        
   IV/ CƠ SỞ THỰC TIỄN CỦA VẤN ĐỀ
            Ngay từ đầu năm học, chất lượng môn Ngữ văn của tất cả các khối lớp của trường và ở hai lớp tôi trực tiếp giảng dạy kết quả rất thấp.
            Thực tế đó đã khiến tôi có nhiều trăn trở, lo âu. Trong tình hình chung học sinh ít yêu thích môn văn nói chung và  phân môn Tiếng Việt nói riêng bởi nhiều nguyên nhân từ phía xã hội, gia đình, chương trình học và có lẽ cả ở người dạy.            
            Ngay từ đầu năm học tôi đã có chủ ý thực hiện chuyên đề về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giờ dạy học Tiếng Việt. Tôi định hướng cho các thành viên trong tổ soạn giáo án điện tử ở những tiết tiếng Việt trong sự phối kết hợp với các hình thức, phương pháp dạy học mới.
            Cùng một bài dạy, việc sử dụng công nghệ thông tin với giáo án điện tử tranh ảnh trong các hoạt động dạy học đã tạo nên không khí học tập hoàn toàn khác. Học sinh hứng thú hơn, hoạt động nhiều hơn, giờ học sôi nổi, hiệu quả.
      Trong thực tế giảng dạy ở một trường thuộc địa bàn nông thôn, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, nhờ sự quan tâm của ban giám hiệu, phòng giáo dục và cấp trên mà các phương tiện dạy học được trang bị ban đầu. Mỗi tổ chuyên môn được trang bị USB nên rất thuận lợi để cho giáo viên xây dựng nguồn học liệu mở phục vụ cho việc giảng dạy bằng giáo án điện tử. Ngoài ra, qua các đợt sinh hoạt chuyên đề về ứng dụng công nghệ thông tin... tổ chuyên môn nhờ sự giúp đỡ của nhà trường đã xây dựng đựoc nhiều bài giảng điện tử có chất lượng.
            Để tạo được động lực nhằm kích thích ý thức học tập của học trò bằng giáo án điện tử, giáo viên phải tìm ra được nhiều biện pháp tối ưu để phát huy sự chủ động, sáng tạo tích cực của học sinh nhằm làm cho giờ học ngày một tốt hơn và từ đó nâng cao chất lượng dạy học. Từ thực tế trên, tôi rút ra kinh nghiệm và chú ý ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học tiếng Việt cho tổ chuyên môn cũng là cho cá nhân với sự cố gắng hết mình.  
   V/ NỘI DUNG NGHIÊN CỨU: CÁC BIỆN PHÁP THỰC HIỆNỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN NHẰM TÍCH CỰC HÓA GIỜ DẠY -HỌC TIẾNG VIỆT
      1. COI TRỌNG KHÂU CHUẨN BỊ CHO TIẾT DẠY-HỌC TIẾNG VIỆT BẰNG GIÁO ÁN ĐIỆN TỬ :
         a. Về phía học sinh
            Ngay từ đầu năm học, tôi phổ biến những qui định đối với môn Ngữ văn  đối với việc học Ngữ văn nói chung và cho tiết Tiếng Việt nói riêng để học sinh  chuẩn bị tốt cho giờ học
              - Mỗi học sinh thực hiện theo yêu cầu:
              - Đầy đủ sách vở dụng cụ
                 + Sách giáo khoa Ngữ văn 9, sách bài tập ngữ văn 9 (2 tập)
                 + Vở: Vở học, vở soạn, vở bài tập              
                 + Bảng phụ bọc nhựa  (4 em có một bảng phụ), bút lông viết bảng.                         
               - ở nhà:               
                 + Tự  soạn bài mới, không phải dùng vở soạn cũ của anh, chị để lại.
                 + Mỗi tổ một USB                 
              - ở lớp:                
                 + Có kĩ năng hoạt động nhóm
                 + Tự tin mạnh dạn khi phát biểu bài  
         b. Giáo viên chuẩn bị
           - Có kiến thức cơ bản về tin học, nắm vững các thao tác cơ bản của phần mềm PowerPoint .
- Có khả năng khai thác các thông tin tư liệu từ các nguồn như Internet, các phương tiện thông tin đại chúng.
                   - Nắm chắc các nguyên tắc khi sử dụng phòng máy.
          - Thiết kế bài giảng khoa học, chính xác, có tính thẩm mỹ cao
     - Chuẩn bị bài giảng trên máy Projector; đưa các hình ảnh, câu hỏi vào bài giảng; nắm chắc kỹ thuật vi tính của Microsoft Word và Microsoft PowerPoint; tạo slide mới, khởi động chương trình làm việc của Microsoft PowerPoint.
     - Hướng dẫn học sinh chuẩn bị tranh vẽ, các trò chơi:
     - Nhập dữ liệu, phông chữ, nội dung slide cần chiếu, thay đổi các hình thức hiển thị của chữ, tạo màu khung nền.
    - Tạo hiệu ứng trình chiếu cho từng nội dung ở mỗi slide khác nhau.
    - Thiết lập thời gian cho slide trình chiếu.
    - Chú ý các dạng bài tập trong sự thiết kế các trò chơi, thú vị gây hưng phấn cho học sinh.
         - Đăng kí sớm với phòng thiết bị mượn tranh, nam châm.       
         - Dặn dò  học sinh cụ thể chu đáo các nội dung chuẩn bị cho bài học mới.          
      2/ CÁC BIỆN PHÁP
            Trong dạy học Tiếng Việt, việc sử dụng công nghệ thông tin vào soạn giảng trên PowerPoint mang tính đặc thù bộ môn. Việc tạo cho các em có hứng thú học tập bộ môn cần đòi hỏi trước hết ở mỗi thầy cô phải có sự chuẩn bị bài giảng một cách công phu, vận dụng đưa hình ảnh, âm thanh, thông tin, các video clip và ứng dụng các hiệu ứng kết nối làm sao cho phù hợp và đạt hiệu quả cao nhất ở mỗi bài dạy -học.         
        a/ Sử dụng hình ảnh (xem phụ lục 1 ở PowerPoint)
 Trong dạy tiếng Việt  hình ảnh minh họa giúp cho tiết học thêm sinh động. Hình ảnh rất phong phú đa dạng có thể khai thác từ sách giáo khoa, tải về từ Internet, hình chụp qua điện thoại, máy ảnh…
Với thao tác chỉnh sửa, đặt hiệu ứng hình ảnh sẽ trở nên sống động hơn, rất phù hợp cho việc dạy phân môn Tiếng Việt.
Hình ảnh có thể sử dụng trong các họat động sau:
- Kiểm tra bài cũ
  Ví dụ : Dạy bài nhân hóa lớp 6 (phụ lục 1a)
          - Bức tranh khiến em liên tưởng đến câu văn nào trong văn bản Vượt thác có dùng phép so sánh?
          - Đọc và tìm câu có dùng phép tu từ so sánh và chỉ ra kiểu so sánh trong đoạn văn sau.
           “Nước từ trên cao phóng giữa hai vách đá dựng dứng như một bàn tay khổng lồ muốn đẩy thuyền lùi lại. Dượng Hương Thư đánh trần đứng sau lái co người chống trả với sức nước để đưa thuyền tiến lên. Trông dượng Hương Thư không kém gì một hiệp sĩ của Trường Sơn oai linh hùng vĩ: các bắp thịt cuồn cuộn hai hàm răng cắn chặt, quai hàm bạnh ra, cắp mắt nảy lửa, ghì trên ngọn sao.”
         Sử dụng tranh minh họa có thể tích hợp với phần kiến thức về văn bản Vượt thác một các tự nhiên nhẹ nhàng khắc sâu đựơc kiến thức về phép tu từ so sánh cho học sinh.          
       - Hướng dẫn học sinh sử dụng tranh trong hoạt động tìm hiểu bài : Đây là hoạt động có tính chất qui nạp rút ra bài học song cần để cho học sinh chủ động tìm hiểu khám phá, chiếm lĩnh kiến thức.              
        Ví dụ : Dạy  bài nhân hóa lớp 6
     ? Sau khi cho học rinh rút ra kiến thức cần nhớ , giáo viên có thể cho học sinh quan sát tranh đặt câu theo nội dung kiến thức.
         Từ hình ảnh trực quan sinh động trong 4 tranh phụ lục) học sinh hào hứng xung phong lên bảng  đặt câu một cách dễ dàng. Và đã có nhiều em đặt câu rất hay theo cảm nhận riêng của bản thân như:
-         Hàng cây nghiêng mình soi bóng xuống mặt hồ phẳng lặng.
-         Những con sóng dịu dàng hôn lên bờ cát vàng.
-         Mặt hồ đang trầm ngâm suy tư đến lạ.
-         Những chú chim non đang gọi mẹ khản cả cổ.
-         v..v. 
     Ví dụ: Dạy bài nói quá - lớp 8 (phụ lục 1c)
            Cho học sinh dựa vào tranh tìm thành ngữ có sử dụng phép tu từ nói quá.   
            Học sinh sẽ tranh nhau phát biểu một cách hào hứng và tìm ra các thành ngữ: nói như vẹt, đẹp như tiên, chậm như rùa, tươi như hoa ...
    Ví dụ: Dạy bài từ trái nghĩa - lớp 7
            Cho học sinh quan sát tranh tìm từ trái nghĩa và sẽ tìm ra được các cặp từ trái nghĩa thích hợp. (phụ lục 1d)
      - Hướng dẫn sử dụng tranh trong hoạt động  luyện tập:     
          Đây là một hoạt động rất quan trọng trong tiết dạy tiết Tiếng Việt, học sinh không dừng ở mức độ rút ra kiến thức bài học mà tiến tới thực hành khám phá toàn diện, chiếm lĩnh kiến thức rèn luyện các kĩ năng tiếng Việt.        
   Ví dụ: Dạy  bài nhân hóa lớp 6  
       Quan  sat tranh h (cảnh hoa trong khu rừng), em  hã viết  đoạn văn có sử dụng phép tu từ nhân hóa  (Phụ lục 1e)
            Bằng khả năng quan sát hình ảnh trực quan, liên tưởng, tưởng tượng phong phú học sinh sẽ viết được đoạn văn có sử dụng phép nhân hóa. Bài tập này vừa củng cố kiến thức phép tu từ nhân hóa, vừa rèn kĩ năng viết đoạn văn, vừa phát huy khả năng liên tưởng của học sinh.
            Trên đây là những cách vận dụng có tính linh hoạt trong dạy giáo án điện tử vận dụng phương pháp dạy học bằng phương tiện tranh ảnh. Nhờ vậy mà tiết dạy - học tiếng Việt gây được sự phấn chấn cho người học tránh được sự đơn điệu nhàm chán.     
2) Sử dụng âm thanh: (xem phụ lục 2)
Với những tính năng ưu việt, chúng ta có thể chèn các chức năng âm thanh vào từng Slide thay vì dùng đài, đĩa như trước đây. Ta sẽ có những đoạn âm thanh mong muốn qua những thao tác cắt đoạn, ghi âm điều này giúp ích rất nhiều cho việc dạy các kỹ năng như: nghe, đọc.
        Ví dụ : Dạy bài tổng tổng kết từ vựng tiết 53 -Lớp 9 (phụ lục 2a)
         - Sau khi cho HS nh¾c l¹i kh¸i niÖm vÒ tõ t­­îng h×nh, t­­îng thanh, GV hướng dẫn học sinh lµm bµi tËp 2 theo yêu cầu  của sách giáo khoa.
         - Giáo viên cài đặt âm thanh tiếng kêu của một số loài vật có tên mô phỏng âm thanh và cho học sinh phát hiện xem đó là tiếng kêu của con vật nào. Học sinh lắng nghe và phát hiện ra ngay: âm thanh của tiếng con tu hú, bò, quạ, tắc kè...
        Ví dụ : Dạy bài Ôn tập tiếng việt 9 tiết 138
          Trong phần luyện tập củng cố giáo viên có thể sử dụng những đoạn bài hát hoặc đoạn thơ cho học sinh lắng nghe và tìm câu cảm thán câu có thành phần gọi đáp.  Nhờ vậy mà tiết học sinh động, học sinh khắc sâu kiến thức tốt hơn.
3. Sử dụng Video clip:
Sử dụng các Video clip ngắn trong một số bài học giúp học sinh khả năng nhận biết của học sinh tốt hơn, tiết học thêm sinh động hơn. Hệ thống ảnh động có thể sử dụng trong bài học giúp học sinh tư duy tốt hơn. Đây cũng là một ưu điểm khi sử dụng giáo án điện tử. Với một tính năng hữu ích của Powerpoint là tạo liên kết nên việc đưa các video vào rất dễ dàng song cần có chọn lựa nội dung sao cho phù hợp với mục đích yêu cầu của từng hoạt động .
         Ví dụ: Dạy bài  Ôn tập tiếng Việt lớp 9 - tiết 138 (phụ lục 3)
          Giáo viên có thể cho bài tập thêm về nhà bằng cách cho học xem video có nội dung là về vấn đề môi trường sau đó cho học sinh tìm ý viết đoạn văn nghị luận ngắn có sử dụng câu có thành phần biệt lập: tình thái, cảm thán, phụ chú, gọi đáp. Cách làm này vừa củng cố kĩ năng thực hành viết đoạn văn, vừa liên hệ giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh.
4. Sử dụng hiệu ứng và hình nền (phụ lục 4)
Chức năng vượt trội của Powerpoint là hiệu ứng chữ và hình ảnh. Giáo viên có thể đạo diễn cho sự xuất hiện của nội dung bài theo ý đồ mong muốn.
Nhờ hiệu ứng mà việc xây dựng các bài tập trắc nghiệm nhiều lựa chọn, đúng sai, điền khuyết... trở nên dễ dàng tiết học sing động hẳn lên. Các câu hỏi  được thiết kế trên các slide đưa vào trong máy Projector và chiếu lên. Mục đích giúp giáo viên có thể kiểm tra, ôn tập nhanh hơn. Với câu hỏi trắc nghiệm giáo viên hình thành cho học sinh thói quen làm bài kiểm tra cũng như thi học kỳ.
Vd: Dạy bài Tổng kết từ vựng - lớp 9 (phụ lục 4a)
Sử dụng bài tập trắc nghiệm nối đôi để ôn tập khái niệm về các phép tu từ.
          Với hệ thống hình nền đẹp, đa dạng được kết hợp trong từng slide người soạn có thể chọn màu sắc kiểu sao cho phù hợp với nội dung giảng dạy hỗ trợ cho việc tìm hiểu chiếm lĩnh kiến thức của học sinh. Để tạo đựợc sự trực quan rõ cần chọn những màu sắc có độ tương phản cao giữa hình nền và chữ để học sinh dễ quan sát, tiếp nhận.
          Trường hợp hình nền màu nhạt, chữ cần màu đậm. (Phụ lục 4b)
          Trường hợp hình nền màu tối,chữ cần màu sáng. (Phụ lục 4c)
5. Thiết kế  trò chơi
Một trong những chức năng của Powerpoint trong giảng dạy tiếng Việt  được dùng để thiết kế các trò chơi với những slide đa dạng phong phú về hình ảnh âm thanh và các hiệu ứng làm cho bài giảng đạt hiệu quả cao.
Các hoạt động trò chơi thường được vận dụng như: đoán ô chữ, lật mảnh ghép tìm câu chìa khóa, những con số kì diệu...và được sự thiết kế khéo léo của người thầy thông qua những tính năng ưu việt của Powerpoint. Từ đó nhằm mục đích giúp cho học sinh chơi mà học. Để cuối cùng học sinh hiểu và khắc sâu kiến thức.
       Vd : Dạy bài nhân hóa- lớp 6 (xem phụ lục 5b)             
 Trò chơi : Lật mảnh ghép trả lời câu hỏi tìm tranh                  
          Đằng sau các mảnh ghép có các câu hỏi sau:
 - Tìm từ tượng thanh trong các từ sau: mảnh mai, thánh thót, mỏng manh
 - “Da bạn ấy mịn  như nhung”. Câu văn trên sử dụng phép tu từ nào
 - “Trong vườn ,lá cây vẩy chào người bạn nhỏ”... Câu văn trên sử dụng phép tu từ nào?
 - Xác định chủ ngữ của câu sau: “Dưới bóng cây của ngàn xưa thấp thoáng mái chùa cổ kính.”
 - Từ  nào sau đây không phải là từ láy: rực rỡ, mênh mông, xanh ngắt  
 - “Thế là mùa xuân mong ước đã đến”. Chỉ ra các phó từ trong câu văn trên?
Học sinh chọn mảnh ghép trả lời các câu hỏi sẽ có được bức tranh về cảnh rừng hoa mùa xuân và giáo viên cho học sinh quan sát tranh viết đoạn văn theo yêu cầu sử dụng phép nhân hóa.
         Ví dụ : Dạy bài Nghĩa tường minh và hàm ý - lớp 9
        Trò chơi : Lật mảnh ghép tìm câu chìa khoá. (phụ lục 5c)
        Lần lượt từng em xung phong chọn mảnh ghép, trả lời câu hỏi.
        Dựa vào chữ cái khóa và hình ảnh gợi lên từ bức tranh để tìm câu chìa khóa. Chữ cái khóa là chữ cái đầu tiên trong tiếng thứ nhất và tiếng cuối cùng của câu chìa khóa.                                              
         Đằng sau các mảnh ghép sẽ có các câu hỏi sau:
        1/ Điều kiện sử dụng hàm ý đối với người nói (người viết) là gì?
        2/ “Cần có năng lực giải đoán hàm ý”, đó là điều kiện về phía người nào trong giao tiếp có sử dụng hàm ý?
        3/ Việc sử dụng hàm ý của người nói (người viết) sẽ không thành công khi nào ?
        4/Việc sử dụng hàm ý có ý nghĩa tác dụng gì trong giao tiếp?
          Học sinh lật lần lượt  các mảnh ghép sẽ xuất hiện chữ cái  khóa là U và N.
          Hãy dựa vào chữ cái khóa và tranh làm hình nền mà đoán câu chìa khoá?
       GV : Đó là câu Uống nước nhớ nguồn.
        ? Hãy tìm hàm ý câu chìa khoá ?
     - GV chốt ý, liên hệ, giáo dục đạo lí về lòng biết ơn
       Thông qua trò chơi học sinh được củng cố tích hợp với kiến thức tiếng Việt đã học trước đó và khắc sâu thêm kiến thức bài học mới vừa liên hệ giáo dục đạo đức cho học sinh.
         6. Xây dựng hệ thống sơ đồ bảng thống kê (xem phụ lục 6)   
          Đối với  những bài ôn tập tổng kết có tính chất hệ thống hóa kiến thức  giáo viên cần sử dụng các sơ đồ bảng thống kê thì giáo án điện tử là phương tiện thuận lợi, hữu hiệu nhất .
         Ví dụ 1: Dạy bài tổng kết từ vựng tiết 53- lớp 9 (phụ lục 6a)
       Phần giới thiệu bài giáo viên nêu câu hỏi
       Em đã học những nội dung nào về từ vựng ?
         GV nêu khái quát nội dung từ vựng đã học - chiếu sơ đồ     
         Ở phần dặn dò giáo viên nêu câu hỏi:
         Ngoài các nội dung cơ bản của từ vựng về cấu tạo, nghĩa, nguồn gốc thì còn có nội dung mở rộng mà chúng ta học hôm nay. Hãy nêu cụ thể nó gồm những nội dung cụ thể nào? ( Đó là từ tượng thanh tượng hình và các phép tu từ từ vựng)
         Giáo viên trình chiếu sơ đồ kiến thức    
      Ví dụ:Dạy bài Ôn tập tiết Việt tiết 62 lớp 8 (phụ lục 6b)
          Ta dùng bảng thống kê sau theo mẫu sau :

STT
TÊN BÀI
KHÁI NIỆM
1
Cấp độ khái quát của nghĩa từ ngữ

2
Trường từ vựng

3
Tự tượng hình
Từ tượng thanh

4
Từ ngữ địa phương
Biệt ngữ xã hội

5
Biện pháp tu từ nói quá
Biện pháp tu từ nói giảm nói tránh

         GV cho học sinh nêu khái niệm và lần lượt xuất hiện trên bảng thống kê theo hiệu ứng.                                  
          Nhờ giáo án điện tử mà giáo viên đỡ phải cồng kềnh với các loại bảng phụ và tiết kiệm được thời gian chết. Học sinh dễ quan sát, hệ thống hóa và khắc sâu kiền thức nhờ các bảng thống kê được xây dựng và trình chiếu phù hợp theo từng hoạt động dạy - học .                 
       3/ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG SỰ CHỦ ĐỘNG TÍCH CỰC CỦA HỌC SINH VÀ TRONG SỰ LINH HOẠT SÁNG TẠO CỦA NGƯỜI DẠY    
          Giáo viên cần hướng dẫn học sinh chuẩn bị tốt ở nhà. Điều đó sẽ giúp học sinh ứng xử nhanh nhẹn, phát biểu sôi nổi, hào hứng không bị động hay lúng túng khi GV trình chiếu các slide.
          Ở mỗi bài dạy cần có nội dung hướng dẫn cho học sinh ghi bài để học sinh luôn chủ động không bị lúng túng trong các kĩ năng  nghe, nói, đọc, viết.
     Ví dụ : Dạy bài Nghĩa tường minh và hàm ý -lớp 9          
           Sau khi giới thiệu bài mới giáo viên trình chiếu slide nêu những qui định cho tiết học. Trong đó có chú ý về phần ghi vở là các dòng chữ màu vàng. (phụ lục 7)
           Cần kết hợp các phương pháp dạy học mới như  thảo luận nhóm, tích hợp, nêu vấn đề... để phát huy tối ưu tính hợp tác và tính tích cực, chủ động tự giác  của học sinh. 
      Ví dụ : Dạy bài tổng kết từ vựng tiết 53 - lớp 9 (phụ lục 8)  
       Trong trò chơi lật mảnh ghép tìm câu chìa khóa, GV tổ chức thảo luận nhóm 5,6  (phương pháp thảo luận nhóm) với bốn câu hỏi sau:
         1/ Làm thế nào để nhận biết phép tu từ so sánh so với ẩn dụ?
         2/ Phân biệt phép tu từ ẩn dụ với hoán dụ?        
         3/ Từ tượng thanh và từ tượng hình cùng với những phép tu từ từ vựng thường được dùng trong kiểu văn bản nào? 
         4/ Hãy kể thêm những biện pháp tu từ khác mà em biết ?
           Sau khi lật từng mảnh ghép xuất hiện câu hỏi giáo viên có thể sử dụng phương pháp gợi tìm (ở những câu hỏi khó)
           Và khi đã xuất hiện hình nền (hình ảnh người chiến sĩ lái xe) và từ khóa học sinh sẽ đoán được câu thơ chìa khóa là :
                           Ung dung buồng lái ta ngồi
                           Nhìn đất nhìn trời nhìn thẳng
           Giáo viên cho phân tích nét đặc sắc nghệ thuật tu từ trong hai câu thơ và sau đó sử dụng phương pháp giảng bình.
        => Hai câu thơ đã khắc họa tư thế đẹp của người chiến sĩ lái xe trên tuyến đường Trường Sơn. Phép đảo ngữ với từ "ung dung’’ ở đầu câu thơ nhấn mạnh khí phách của một con người bình thản, tự tin trước mọi khó khăn thử thách. Điệp từ nhìn thể hiện một cái nhìn thẳng tiến, tầm nhìn chủ động của một bản lĩnh vững vàng “nhắm thẳng quân thù mà bắn’’.
         Như vậy các phương pháp đã đựoc kết hợp :
           - Phương pháp thảo luận nhóm
           - Phương pháp gợi tìm
           - Phương pháp sử dụng phương tiện dạy học (tranh ảnh minh họa)
           - Phương pháp giảng bình          
           SGK cũng như nội dung hướng dẫn trong SGV không có định hướng về việc sử dụng công nghệ thông tin cho tiến trình dạy - học. Vậy việc sử dụng CNTT dựa vào sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo của người dạy.
           Ở phân môn  tiếng Việt, việc đưa tranh ảnh, video, cài đặt âm thanh... vào phần nào của bài dạy (giới thiệu bài, tìm tiểu bài, luyện tập, tổng kết...) là cả một sự nghiên cứu, cân nhắc, lựa chọn sao cho hợp lý. Nếu đưa vào không đúng lúc, đúng chỗ sẽ làm chết thời gian của tiết dạy mà không có hiệu quả. Những trò chơi cần đa dạng phong phú ở các tiết học tránh sự nhàm chán song không nên quá lạm dụng.        
         Ứng dụng CNTT trong dạy - học Tiếng Việt  cần phù hợp với nội dung bài dạy vừa bám sát mục tiêu bài học vừa phối kết hợp các phương pháp dạy học mới vừa cân đối, hài hòa với các phương tiện dạy học khác và đảm bảo tiết dạy nhẹ nhàng, thoải mái có đủ độ lắng, độ sâu để học sinh chiếm lĩnh kiến thức và rèn các kĩ năng một cách tốt nhất.
          Vậy Ứng dụng CNTT trong dạy - học Ngữ văn đòi hỏi giáo viên chú ý về chất lẫn về lượng trên cơ sở vận dụng phương pháp dạy học mới một cách linh hoạt sáng tạo có phong cách riêng ấn tượng của mỗi người dạy văn. “Là ta ta hát những gì của ta”(Nguyến Duy). Với người giáo viên dạy văn phải chăng  sự cố gắng, học hỏi tìm tòi ứng dụng CNTT trong dạy - học Tiếng Việt là việc làm có tính chất sáng tạo như thế.
   VI/ KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU:
           Qua hơn 2 năm được ứng dụng CNTT trong việc dạy-học Ngữ văn.Tôi nhận thấy ở những tiết học tiếng Việt bằng giáo án điện tử. Học sinh tham gia phát biểu sôi nổi, có chiều hướng ham thích học môn văn hơn.
           Trong năm học 2009-2010, kết quả về chất lượng TB bài kiểm tra định kì môn Ngữ văn kì II (chưa có bài kiểm tra học kì II) của tổ Ngữ văn và của hai  lớp được phân công dạy có sự tiến bộ ...
        Điểm trung bình bài kiểm tra định kì môn Ngữ văn ở học kì 2 đạt 80% TB trở lên (cao hơn so với cùng kì năm trước chuyển biến hơn hẳn so với khảo sát chất lượng đầu năm)
   VII/ KẾT LUẬN:
           Bài học kinh nghiệm mà chúng tôi rút ra được từ quá trình nghiên cứu và vận dụng như sau:
          1. Về phía giáo viên:
           Muốn  thực hiện đạt yêu cầu trong việc giáo viên cần:
            - Có những qui định chặt chẽ đối với học sinh về việc học môn văn nói chung và học Tiếng Việt nói riêng.
            - Xây dựng và dần dần rèn cho học sinh phương pháp học tập (cách chuẩn bị bài, cách phát biểu bài, cách thảo luận nhóm), rèn cho học sinh những kĩ năng nghe, tìm hiểu tranh ảnh, video... (quan sát, cảm nhận, liên tưởng ...)
    - Luôn nỗ lực, cố gắng nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi để xây dựng những tiết dạy-học Tiếng Việt một cách hiệu quả.
           - Đầu tư vào bài soạn, nghiên cứu kỹ để phương án đưa tranh ảnh, âm thanh, video..., dùng hiệu ứng, hình nền, sơ đồ kiến thức, bảng thống kê, tổ chức trò chơi  một cách hợp lí nhất.
-Ứng dụng công nghệ thông tin trong sự vận dụng nội dung, phương pháp dạy-học mới một cách phù hợp ,linh hoạt, sáng tạo :  
       +  Phù hợp với nội dung văn bản, bám sát mục tiêu bài học
       +  Phối kết hợp với các phương pháp dạy - học mới .
       +  Trong điều kiện cần và đủ, chú ý về chất lẫn về lượng
      2/ Về  phía học sinh
       -  Đầy đủ dụng cụ học tập, sách vở, bảng phụ,  
       - Luôn có sự chuẩn bị sọan bài (dưới sự hướng dẫn của giáo viên) đầy đủ, kĩ lưỡng , tích cực .
       -  Luôn có sự chủ động, tích cực và có những kĩ năng cơ bản khi GV tổ chức các hoạt động dạy- học bằng giáo án điện tử .            
      3/ Kết luận :
          Hiện nay công nghệ thông tin đã được ứng dụng trong việc dạy học môn Ngữ văn .Người giáo viên có thể dễ dàng tìm thấy tư liệu phong phú  cho bài giảng khi tra cứu vào thư viện tư liệu . Song trong thực tế ,việc dạy giáo án điện tử còn chưa thể có điều kiện sử dụng rộng rãi vì trang thiết bị dạy- học còn nhiều thiếu thốn (nhiều trường  có 1 máy chiếu). Vì vậy , việc đầu tư chất lượng cao cho mỗi tiết dạy là  rất cần thiết.
         Đây là  đề tài mang tính chất là vận dụng  thực thi  bước đầu .Trong quá trình thực hiện dạy học ứng dụng công nghệ thông tin mỗi người sẽ có sự vận dụng linh hoạt sáng tạo phù hợp với đối tượng học sinh với mỗi giờ dạy sao cho đạt hiệu quả nhất .
         Với việc vận dụng nội dung giảng dạy trên giáo viên sẽ phát huy được khả năng tư duy của học sinh qua nhiều hình thức hoạt động dạy học có tính mới  có khả năng gợi những suy nghĩ sâu xa giúp học sinh khắc sâu được kiến thức cũng như rèn khả năng nghe nói đọc viết một cách chủ động, tích cực. Các em hứng thú hơn trong việc học văn .
         Tóm lại , dạy giáo án điện tử cho giờ Tiếng Việt  hiện nay là một bước đổi mới trong phương pháp dạy tiếng Việt  .Giáo viên chủ động sáng tạo trong soạn giảng và thiết kế với nguồn tài liệu phong phú đa dạng . Học sinh tích cực chủ động, hứng thú học tập và đạt hiệu quả cao trong học tập.Dạy văn là một công việc đòi hỏi tính khoa học, nghệ thuật và sáng tạo. Do vậy người dạy văn phải có sự nghiên cứu, tìm tòi, vận dụng một cách linh hoạt các phương pháp dạy - học mới để việc tổ chức các hoạt động dạy - học Ngữ văn trở nên phong phú, đa dạng và có chiều sâu.Việc ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tích cực hóa giờ dạy học Tiếng Việt  trong quá trình thực thi giảng dạy chương trình thay sách sẽ góp phần nâng cao chất lượng dạy - học Tiếng Việt   nói riêng và cho bộ môn Ngữ văn 9 nói chung.                     
   VIII/ ĐỀ NGHỊ :
        - Đối với giáo viên:
         + Giáo viên dạy Ngữ văn THCS cần có sự đầu tư giảng dạy trong việc ứng dụng công nghệ thông tin và phải thực hiện thường xuyên đồng bộ từ các lớp 6,7,8  đến lớp 9 .
 + Tich cực trong việc tập huấn về công nghệ thông tin sưu tầm các tài liệu liên quan đến môn học để chuẩn bị cho vào bài giảng điện tử.
+Xây dựng nguồn học liệu mở cho cá nhân một cách phong phú đa dạng
      - Đối với cấp trên :
     + Tiếp tục phát huy việc tổ chức các hoạt động sinh hoạt chuyên môn về việc sử dụng tranh minh họa để giáo viên được giao lưu, trao đổi,học hỏi .
         + Xây dựng  phòng chức năng ,mỗi tổ chuyên môn của trường có một máy chiếu đa năng Projector   
     IX/ TÀI LIỆU THAM KHẢO :
          1/ Nguyễn Đắc Diệu Lam -Tài liệu bồi dưỡng thường xuyên chu kì III (2004-2007)- môn Ngữ văn  -NXB Giáo dục –năm 2005
          2/ PGS Vũ Nho-Một số vấn đề đổi mới phương pháp dạy học THCS Môn Ngữ văn –năm 2004        
          3/ Sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập I,II -NXB Giáo dục – năm 2007
          4/ Sách giáo viên  Ngữ văn 9 tập I,II -NXB Giáo dục – năm 2007

                                                                         Nguyễn Thị Bích Trâm

Địa chỉ  Trụ sở Tập Sách -Thư viện & thiết bị giáo dục.
 Tầng 10, số, 81 Trần Hưng Đạo,Hà Nội 
Điện thoại : (04) 39 412 912
F ax : (04) 39 412 913
Email: thuvientruonghoc@yahoo.com 
Mã số : 8G 965 K4
202-2014/CXB/19-90/GD




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét