Chủ Nhật, 5 tháng 8, 2012

18/. BÀN VỀ THI ĐUA VÀ CẮT THI ĐUA

Mộc Nhân - Lê Đức Thịnh 

Hiếm có một thứ ngôn ngữ nào phong phú như Tiếng Việt. Mà phong phú nhất là hiện tượng chuyển nghĩa. Từ một nghĩa gốc, trong quá trình sử dụng nó đã tạo nên biết bao nghĩa mới. Những nghĩa đó ra đời tuỳ thuộc vào các điều kiện xã hội, nhu cầu giao tiếp, thậm chí là do ý thích của một nhóm người; và số lượng nghĩa mới tạo thành không bao giờ dừng lại.
Chắc chắn là thế. Vì vậy mà nhiều người đã công nhận rằng “Tiếng Việt của chúng ta rất giàu và đẹp”.



Hãy xét một từ tiêu biểu dó là từ “cắt”.
Đa số các từ điển TV đều giải nghĩa “cắt” là :
-         Dùng một vật sắc làm cho một vật khác đứt ra (cắt cỏ …)
-         Làm cho rời ra, chia tách ra (cắt đội hình …)
-         Bốc thuốc theo đơn (cắt thuốc …)
-         Phân chia công việc theo phiên, ca (cắt phiên …)
-         Không chấp nhận, gạt bỏ (cắt lương, cắt phần thưởng, cắt thi đua …)
Tựu trung, “cắt” có 2 nét nghĩa cơ bản là : chia tách và gạt bỏ.

Trong tất cả những cách dùng ấy, theo tôi cách nói “cắt thi đua” là ra đời muộn nhất – kể từ khi xã hội có thi đua và có xét thi đua. Cách nói “cắt thi đua” thể hiện rằng tiếng Việt rất giàu, đẹp và luôn phát triển nhưng … nó sẽ chẳng “đẹp” chút nào nếu việc ấy rơi vào mỗi cá nhân chúng ta nhu tôi trình bày tiếp sau đây.
***

Phàm làm việc gì cũng cần có cơ sở, có căn cứ thì mới tạo được sự tâm phục khẩu phục của mọi người.
Trong cán bộ công chức (CBCC) có phong trào đăng kí thi đua (ĐKTĐ). Để đạt được một danh hiệu thi đua cần phải có các điều kiện cần và đủ là :
-         CBCC phải đăng kí danh hiệu thi đua (DHTĐ) ngay từ đầu năm.
-         Có công trình nghiên cứu hoặc SKKN … được công nhận.
-         Hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình trong quá trình công tác.
-         Được cấp cơ sở xét công nhận đủ điều kiện và chuyển lên cấp trên.
-         Được cấp trên chấp nhận và chuyển lên cấp trên nữa để ra QĐ công nhận danh hiệu và khen thưởng.

Như thế thì chẳng có gì để bàn bởi vì ai đó không đạt được danh hiệu thi đua thì đã có các cấp cơ sở bình xét. Cấp cơ sở không có quyền cắt thi đua ai; họ chỉ xem xét, công nhận đủ điều kiện và đề xuất cấp trên công nhận DHTD.
Vấn đề tế nhị và phức tạp nảy sinh khi cấp trên có thẩm quyền đề ra biện pháp “cắt thi đua” để loại bỏ bớt số người được công nhận danh hiệu thi đua.

***

Có hai dạng thức bị “cắt thi đua” :
-         Dạng “cắt” do không hội đủ một số đìều kiện hoặc đã hội đủ điều kiện nhưng phát sinh những tình huống vi phạm mới.
-         Dạng “cắt” do cảm tính, do loại bỏ bớt số lượng để vừa đủ chỉ tiêu, vừa đủ túi tiền của quĩ khen thưởng, thậm chí là không có lí do nào cả, chỉ đơn giản là “lên cấp trên bị cắt bớt” !!!
Ở đây chúng tôi chỉ bàn đến “cắt thi đua” thuộc dạng thứ 2.

Việc cắt thi đua như thế theo tôi là một việc làm không có cơ sở khoa học, không có tính nhân văn và gây nên những ức chế tâm lí cho người bị “cắt”.
- Nói không có cơ sở khoa học bởi vì : việc cấp trên cắt thi đua như thế không dựa vào căn cứ nào cả. Đôi khi chúng ta được giải thích là dựa theo công văn này nọ của cấp nọ kia; hoặc vì lí do chỉ xét duyệt một số lượng DHTĐ có giới hạn … Tất cả xem ra có vẻ có lí, nhưng đó là cái lí của sự vô lí.
Điều ấy đã gây lúng túng trong việc công nhận DHTĐ nên chúng ta đã tạo ra một “cơ sở khoa học” khác bằng cách bỏ phiếu !
Thế là một danh sách CBCC đủ điều kiện công nhận DHTĐ được lập ra. Ai được tập thể (một nhóm người thay mặt) bình chọn với số phiếu nhiều hơn sẽ nằm ở top; những người ít phiếu sẽ nằm ở bottom danh sách và sẽ thuộc diện bị “cắt thi đua”!
Đôi khi sự bỏ phiếu ấy gây xáo trộn đến ngạc nhiên bởi nhiều vị có thành tích hoạt động tốt ở tổ chuyên môn nhưng kết quả sau bỏ phiếu lại rơi vào nhóm bị “cắt” !
Lâu dần thành quen, mọi người xem đó như một cách làm “ có tính khoa học”. Chỉ tội nghiệp mấy vị do không có “chỉ số tín nhiệm”, dù phấn đấu hết hơi nhưng năm nào cũng thế.
- Nói không có tính nhân văn bởi vì nó thể hiện sự vô cảm trong ứng xử của cấp có thẩm quyền với CBCC trong công tác thi đua. Các anh cứ đưa danh sách lên đây, tôi sẽ nghiên cứu và “cắt”; ai ở chiếu dười thì chấp nhận vậy.
Chẳng biết kiện ai bởi cấp dưới xếp anh như thế, kinh phí và giấy khen có hạn, chỉ tiêu có chừng, vậy vui lòng chờ năm sau sẽ “nghiên cứu” trường hợp của anh (không cắt anh nữa) !
- Sự “cắt” ấy đã gây ra những ức chế tâm lí cho CBCC. Họ tự làm những phép so sánh để thấy rằng bao nhiêu công sức, cống hiến đã bỏ ra trong một thời gian dài đã trở thành công cốc do cách xét và xếp thi đua như vậy. Nhiều người ở “tầm thấp” hơn nhưng vẫn lọt vào top là nhờ cách “bỏ phiếu” này.
Tôi không phê phán những người tham gia bỏ phiếu ( trong đó có cả tôi ) bởi vì họ hoàn toàn có quyền nhìn nhận con người dưới cái nhìn chủ quan của mình, tôi chỉ không tán thành việc “bỏ phiếu”.

Đó là cách làm tuỳ tiện, cảm tính để lại nhiều hệ luỵ như :
-         Thủ tiêu tinh thần, ý thức thi đua ở một bộ phận CBCC vì nỗ lực của họ đã không được ghi nhận.
-         Gây tâm lí hoài nghi đối với các cấp quản lí.
-         Không phát huy được tinh thần thi đua thực sự vì một số người chỉ cần đảm bảo các tiêu chuẩn “hành chính”, lại vượt qua được việc “bỏ phiếu” xem như đã có trong tay DHTĐ.
-         Phủ nhận hoặc làm lu mờ việc xét và xếp thi đua ở cấp tổ, và thay bằng ghi nhận vị thứ thi đua thông qua “bỏ phiếu” trong một nhóm đại diện.

***

Từ những bất cập trên, tôi có một số ý kiến đề xuất như sau :
-         Cấp trên cần giao chỉ tiêu ĐKTĐ về cho cơ sở một cách cụ thể. Cấp cơ sở căn cứ vào chỉ tiêu ấy để giao chỉ tiêu ĐK DHTĐ cho tổ chuyên môn hoặc điều phối số lượng ĐKTĐ nếu các tổ chuyên môn nào đó không có nhu cầu. Như vậy sẽ tránh được việc ở cơ sở cứ ĐKTĐ thoải mái, còn cấp trên cũng cứ thoải mái “cắt” cho vừa số lượng, mà số lượng ấy là bao nhiêu, do ai ấn định thì chẳng bao giờ được công khai cả.
-         Cấp trên nên có cách ứng nhân văn hơn với người ĐKTĐ, không nên hành xử theo cách “cắt” mà người bị “cắt” cảm thấy ấm ức. Các cấp có thẩm quyền chỉ “cắt” khi có phát sinh những tình huống vi phạm mới của CBCC. Còn nếu người ĐKTĐ đã hội đủ điều kiện để công nhận danh hiệu thì cũng không nên dựa vào bầu phiếu cảm tính để "cắt".
-         Cấp cơ sở cần xét và xếp thi đua chặt chẽ và nghiêm túc hơn. Tránh điểm mặt, gọi tên, những người có ĐKTĐ mặc nhiên được đề xuất công nhận danh hiệu.
-         Huỷ bỏ việc bình chọn thứ tự DHTĐ theo lối “bỏ phiếu” cảm tính.
-         Cần minh bạch các việc liên quan đến thi đua như : giao số lượng chỉ tiêu ĐKTĐ, sẽ cắt bỏ bao nhiêu, lí do cắt bỏ cụ thể …

***

Thiết nghĩ việc thi đua là công việc thể hiện sự nỗ lực thường xuyên của CBCC. Việc thay đổi tư duy về tổ chức thi đua cũng là việc làm thường xuyên của cấp quản lí để thể hiện “cái mới” trong công tác quản lí.
Bác Hồ nói “Thi đua là yêu nước …”, việc xét công nhận danh hiệu thi đua như đã trình bày trên sẽ dẫn đến hệ luỵ là không còn ai muốn “ thi đua” nữa (dù vẫn yêu nước).
Một năm học đã qua, mọi việc cũng đã qua và cho qua.
Mong rằng năm học mới sẽ có nhiều cái mới, mà nhất là cái mới trong tổ chức công tác thi đua để khỏi có điều thái quá hoặc bất cập trong việc công nhận các DHTĐ.

                                                                                                                 Lê Đức Thịnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét